Biện pháp yêu cầu ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo được quy định cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 18 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gọi tắt là Quy chế số 51).
- Căn cứ áp dụng: ngoài áp dụng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, biện pháp này chỉ được áp dụng khi có căn cứ kết luận vi phạm của cơ quan tư pháp, đó là ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc đã giải quyết nhưng không ra văn bản giải quyết theo quy định.
- Biện pháp này được áp dụng trong các trường hợp:
+ Thông qua các nguồn tin hoặc sau khi chuyển đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan tư pháp có thẩm quyền giải quyết và theo dõi việc giải quyết này, nếu đủ căn cứ kết luận hết thời hạn theo quy định mà cơ quan tư pháp chưa giải quyết hoặc đã giải quyết mà không ban hành văn bản giải quyết theo đúng quy định, thì Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan tư pháp ra văn bản giải quyết.
+ Trường hợp qua nghiên cứu đơn khiếu nại, tố cáo và các tài liệu, chứng cứ do công dân gửi đến mà đủ căn cứ kết luận cơ quan có thẩm quyền không ra văn bản giải quyết trong thời hạn quy định, thì Viện kiểm sát áp dụng ngay biện pháp yêu cầu này mà không cần phải thực hiện việc chuyển đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan đó nữa.
+ Trường hợp Viện kiểm sát nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, thì chưa áp dụng ngay biện pháp này, mà phải kiểm tra, rà soát và xử lý như sau: nếu Viện kiểm sát đã nắm được kết quả giải quyết của cơ quan tư pháp, thì chỉ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, mà không áp dụng biện pháp này nữa; nếu Viện kiểm sát mà chưa nắm được việc khiếu nại, tố cáo mà cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, thì áp dụng biện pháp này.
- Biện pháp này có thể được áp dụng đối với một vụ việc, cũng có thể áp dụng đối với nhiều vụ việc.
(Tham khảo: Tài liệu tập huấn của Vụ 12- VKSND tối cao)