Thực hiện Công văn số 29/VKS-P1, ngày 03/4/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang; ngày 06/4/2018 tại cuộc họp Cơ quan tháng 4/2018 Lãnh đạo VKSND huyện Châu Thành A đã tổ chức quán triệt, triển khai cho tất cả cán bộ, công chức để kịp thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa (sau đây gọi chung là tài liệu) trong công tác Thực hành quyền công tố - kiểm sát điều tra các vụ án hình sự.
Theo đó Lãnh đạo Viện yêu cầu các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải quán triệt quy định tại Khoản 1 Điều 60 BLTTHS năm 2015, việc bị can yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu là một trong những quyền của bị can, do đó việc tạo điều kiện cho bị can được thực hiện đầy đủ quyền này là trách nhiệm của Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng, Viện trưởng trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Do đó phải nắm chắc các nội dung sau:
Thứ nhất, về thẩm quyền quyết định: Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án.
Thứ hai, giai đoạn tố tụng áp dụng: Từ sau khi kết thúc điều tra; trong giai đoạn truy tố đến trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Thứ ba, những trường hợp phải từ chối việc cho bị can đọc, ghi chép tài liệu: Có 6 trường hợp theo quy định của Khoản 2 Điều 3 TTLT số 02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018.
Thứ tư, trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công thụ lý, giải quyết vụ án phải thông báo về quyền của bị can được đọc, ghi chép tài liệu khi giao bản Kết luận điều tra hoặc bản Cáo trạng cho họ biết. Việc thông báo này phải được ghi trong biên bản giao nhận bản Kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản Cáo trạng và được chuyển cùng hồ sơ vụ án hình sự. Nếu bị can có yêu cầu thì phải có văn bản yêu cầu gửi đến Cơ quan có thẩm quyền tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án để được xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu thì Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét quyết định theo hai hướng:
1. Nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch thì từ chối và nêu rõ lý do.
2. Nếu không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch thì phải chuẩn bị ngay bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa và thông báo bằng văn bản trong đó ghi rõ địa điểm, thời gian hợp lý để bị can có thể đọc, ghi chép tài liệu. Lưu ý đối với bị can tại ngoại thì thực hiện tại trụ sở Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, nếu bị can bị tạm giam thì thực hiện việc đọc, ghi chép tại Phòng hỏi cung của cơ sở giam giữ (trường hợp này, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải cung cấp giấy, bút để bị can ghi chép).
Bên cạnh đó, cần lưu ý một số trường hợp sau:
- Trường hợp bị can không sử dụng được tiếng Việt hoặc bị can là người có nhược điểm về thể chất (câm, mù, điếc) mà có yêu cầu đọc, ghi chép tài liệu thì Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý giải quyết phải trưng cầu người phiên dịch, người dịch thuật... Đối với bị can dưới 18 tuổi thì phải có người đại diện cùng tham gia việc cho bị can đọc, ghi chép tài liệu.
-Thời gian cho bị can đọc, ghi chép tài liệu mỗi lần không quá 3 giờ, trong 1 ngày không quá 02 lần.
- Việc cho bị can đọc, ghi chép tài liệu phải có sự giám sát của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công thụ lý, giải quyết vụ án đó...
Tóm lại, đây là quyền của bị can được quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 60 BLTTHS năm 2015... Do vậy khi có phát sinh yêu cầu của bị can Lãnh đạo Viện yêu cầu Kiểm tra viên, KSV được phân công Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án phải thực hiện nghiêm túc đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm... của TTLT số 02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018