Miễn trách nhiệm hình sự là chế định nhân đạo trong luật hình sự Việt Nam. Bản chất pháp lý của chế định này là hủy bỏ hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm khi có các căn cứ do pháp luật hình sự quy định, tức là các cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền của Nhà nước căn cứ vào từng giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng cụ thể (cơ quan thụ lý vụ án) để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Thực hiện những quy định này nhằm tiết kiệm việc áp dụng chế tài của luật hình sự nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Áp dụng đúng chế định này có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng chế định này trong thời gian qua mà đặc biệt là từ khi BLHS năm 2015 được ban hành (đã mở rộng đối tượng được xem xét miễn trách nhiệm hình sự) đã nảy sinh một số bất cập và có nhiều cách hiểu khác nhaukhi áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự…
1. Khái niệm, bản chất pháp lý của miễn trách nhiệm hình sự:
Miễn trách nhiệm hình sự là trường hợp một người đã thực hiện tội phạm nhưng do đáp ứng các điều kiện nhất định mà không phải chịu hậu quả của việc thực hiện tội phạm đó. Miễn trách nhiệm hình sự được quy định trong BLHS năm 1985, từng bước được hoàn thiện trong BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015. Đây là một chế định phản ánh nguyên tắc nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước, tiết kiệm chi phí, công sức... trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; tăng cường khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội thông qua các hình thức trách nhiệm hình sự được thực hiện ngoài cộng đồng, nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bản chất pháp lý của miễn trách nhiệm hình sự là chế định nhân đạo được áp dụng đối với người mà hành vi của người đó đã thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể trong BLHS nhưng do người này có các điều kiện nhất định để được miễn trách nhiệm hình sự. Đó chính là chính sách phân hóa được phản ánh trong luật từ thực tiễn yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và giáo dục người phạm tội. Tuy vậy, vì người được miễn trách nhiệm hình sự bị coi là người đã thực hiện hành vi phạm tội, do đó mặc dù họ được miễn trách nhiệm hình sự nhưng không được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (hay nói cách khác là không thuộc trường hợp oan, sai). Nghiên cứu các BLHS Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy người được miễn trách nhiệm hình sự không phải chịu các hậu quả pháp lý hình sự bất lợi của việc phạm tội nhưng có thể phải chịu một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế phi hình sự được quy định trong các ngành luật khác như: Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Công chức, Luật Viên chức...
Miễn trách nhiệm hình sự được quy định trong các BLHS với các trường hợp khác nhau được quy định rải rác trong cả Phần chung và Phần các tội phạm. BLHS năm 2015 đã quy định các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự tại Điều 16, Điều 29, khoản 2 Điều 91, khoản 4 Điều 110, khoản 4 Điều 247, đoạn 2 khoản 7 Điều 364, khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390.
2. Vấn đề đặt ra khi áp dụng trường hợp miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 29 BLHS
Điều 29 BLHS năm 2015 quy định như sau:
“1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, theo quy định của Điều 29 BLHS năm 2015 thì có hai trường hợp người phạm tội được xem xét, miễn trách nhiệm hình sự là đương nhiên được miễn và có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
2.1 Trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự
- Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Quy định này bổ sung cho Điều 25 BLHS năm 1999 trước đây chưa quy định trường hợp có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này có thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất vì việc thay đổi chính sách, pháp luật phải làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì mới được miễn trách nhiệm hình sự, còn nếu tuy có thay đổi chính sách, pháp luật mà hành vi phạm tội vẫn còn nguy hiểm thì không được miễn trách nhiệm hình sự. Trên thực tế, thì cứ có sự thay đổi chính sách, pháp luật mà hành vi phạm tội có còn nguy hiểm cho xã hội nữa hay không, không cần biết thì người phạm tội đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: BLHS năm 2015 đã bỏ 11 tội so với bộ luật hình sự năm 1999, trong đó có các tội như: “Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế”được quy định tại Điều 167;“Tội tảo hôn”được quy định tại Điều 148;“Tội hoạt động phỉ”được quy định tại Điều 83;… thì kể từ ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực pháp luật những ngườitrước đây đã thực hiện một (hoặc nhiều) trong các hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm mà sau ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực pháp luật mới bị phát hiện thì được coi là hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và mặc nhiên người có hành vi này được miễn trách nhiệm hình sự.
Tội phạm là một hiện tượng xã hội nên nó cũng có tính lịch sử, vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, do yêu cầu của xã hội và các quy định của pháp luật thì hành vi đó cần phải xử lý bằng biện pháp hình sự, nhưng sau đó, khi các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện chức năng của mình để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội thì tình hình xã hội đã thay đổi, Nhà nước thấy không cần phải xử lý người có hành vi phạm tội trước đó bằng biện pháp hình sự nữa. Sự chuyển biến của tình hình là sự chuyển biến về tất cả các mặt của đời sống xã hội như: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật,... Tuy nhiên, khi xét tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội không còn nữa thì phải xem xét hành vi phạm tội trước đó xâm phạm đến quan hệ xã hội nào và quan hệ xã hội đó có chuyển biến làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa không? Ở đây, sự chuyển biến tình hình đã là nguyên nhân làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa.
Căn cứ để xác định do chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là những quy định của Nhà nước có liên quan đến hành vi phạm tội, các quy định này nhất thiết phải bằng văn bản có tính pháp lý, bao gồm Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của các bộ hoặc cơ quan ngang bộ... Nếu sự chuyển biến của tình hình và tình hình đó tuy có liên quan đến tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội đã xảy ra nhưng chưa được Nhà nước quy định thì người có hành vi phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như các trường hợp phạm tội khác.
- Khi có quyết định đại xá.
Đại xá là việc miễn trách nhiệm hình sự đối với một loại tội phạm nhất định. Văn bản đại xá có hiệu lực đối với những hành vi phạm tội được nêu trong văn bản đó xảy ra trước khi ban hành văn bản đại xá thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu đã khởi tố, truy tố hoặc xét xử thì phải đình chỉ, nếu đã chấp hành xong hình phạt thì được coi là không có án tích.
Theo quy định của Hiến pháp nước ta thì chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định đại xá. Thông thường quyết định đại xá được ban hành nhân dịp những sự kiện trọng đại nhất của đất nước, biểu hiện sự nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội.Nếu tính từ khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1992 đến nay, Quốc hội nước ta chưa có lần nào ra quyết định đại xá. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung các nghị quyết của Quốc hội như: Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21/12/1999, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015, Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 30/6/2016, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành BLHS thì nội dung của các Nghị quyết này có chứa đựng nội dung của đại xá. Ví dụ: BLHS năm 2015 có hiệu lực từ 0 giờ 00 ngày 01/01/2018 nhưng Nghị quyết số 41 quy định:“Kể từ ngày BLHS được công bố, không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử những người phạm những tội mà BLHS đã bỏ hình phạt tử hình; đối với người đủ 75 tuổi trở lên, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử; hình phạt tử hình đã tuyên đối với những người thuộc trường hợp nêu trên mà chưa thi hành, thì không thi hành nữa…”.
Như vậy, tuy Nghị quyết 41 không phải là quyết định đại xá, nhưng nội dung của Nghị quyết thể hiện nội dung đại xá. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt đại xá với đặc xá. Đặc xá là miễn toàn bộ hay một phần hình phạt đối với một hoặc một số người bị kết án. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền ra Quyết định đặc xá. Ở nước ta, đặc xá được Chủ tịch nước quyết định vào các dịp Lễ lớn của đất nước và dân tộc như: Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4; Ngày lễ Quốc khánh 2/9; Ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
2.2 Trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự
- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, về lý luận cũng như thực tiễn tuy có một số trường hợp khó xác định nhưng không khó bằng trường hợp do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Trong thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng rất ít áp dụng trường hợp này để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Cũng có ý kiến cho rằng, khi phạm tội họ là người nguy hiểm cho xã hội nhưng sau đó họ biết ăn năn hối cải, nỗ lực phấn đấu để trở thành người tốt, có ích cho xã hội và xã hội rất cần họ thì nên coi là do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa để miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Như vậy cũng có thể hiểu“tình hình chuyển biến” ở đây lại chính là sự biến đổi cá nhân của người phạm tội chứ không phải tình hình xã hội.
Tuy nhiên, cũng có luồng quan điểm cho rằng“chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” phải được hiểu rằng bản thân người phạm tội không có sự biến đổi nào, khi phạm tội họ là người như thế nào thì vẫn như vậy nhưng do tình hình xã hội thay đổi nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Nguyên nhân làm cho họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa chính là do tình hình thay đổi chứ không phải do nỗ lực của bản thân họ. Chính do không nắm chắc những yếu tố này nên trong thực tiễn, có nhiều người lầm tưởng sự nỗ lực của bản thân người phạm tội nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và đã miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Mặc dù trong thực tiễn, những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa rất ít xảy ra nhưng về lý thuyết không phải là không có.
Cũng được coi là do chuyển biến tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa trong trường hợp người phạm tội phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt mà thiếu họ thì nhiệm vụ đó khó hoàn thành, nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã miễn trách nhiệm hình sự cho họ để họ nhận nhiệm vụ đặc biệt đó.
- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
Đây là quy định mới mà Bộ luật hình sự năm 1999 chưa có. Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa là người mắc một trong các bệnh mà y học coi đó là bệnh hiểm nghèo như bị Ung thư, teo não, HIV ở giai đoạn AIDS, nhiễm vi rút kháng thuốc như NDM-1, Lao phổi ở giai đoạn cuối, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
Tuy nhiên, không phải trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo nào cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự, mà phải có thêm điều kiện là: không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa như phải nằm liệt giường có người chăm sóc, tức là họ không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa thì mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Còn đối với người tuy mắc bệnh hiểm nghèo nhưng họ vẫn còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội thì không được miễn trách nhiệm hình sự.
- Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Tự thú là tự khai ra hành vi phạm tội của mình với các nhà chức trách. Việc người phạm tội tự khai ra hành vi phạm tội của mình với các nhà chức trách là biểu hiện của sự ăn năn hối cải về việc làm sai trái của mình nên đáng được khoan hồng, nhưng mức độ khoan hồng tới đâu thì lại phải căn cứ vào chính sách hình sự của Nhà nước; căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra; thái độ khai báo; sự góp phần vào việc phát hiện và điều tra tội phạm của người tự thú.
Như vậy, người tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có đủ những điều kiện sau:
+ Tội phạm mà người tự thú đã thực hiện chưa bị phát hiện, tức là chưa ai biết có tội phạm xảy ra hoặc có biết nhưng chưa biết ai là thủ phạm.
+ Người tự thú phải khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, tức là khai đầy đủ tất cả hành vi phạm tội của mình cũng như hành vi phạm tội của những người đồng phạm khác, không giấu giếm bất cứ một tình tiết nào của vụ án, giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm như: chỉ nơi ở của người đồng phạm khác hoặc dẫn cơ quan điều tra đi bắt người đồng phạm đang bỏ trốn, thu thập các dấu vết của tội phạm, thu hồi tang vật,... Nếu khai không rõ ràng hoặc khai báo không đầy đủ thì không được coi là tự thú để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự.
+ Cùng với việc tự thú, người tự thú phải cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm như: trả lại tài sản đã chiếm đoạt; thông báo kịp thời cho người bị hại biết những gì đang đe dọa tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc tài sản để họ đề phòng; đòi lại hoặc thu lại những nguồn nguy hiểm mà họ đã tạo ra cho người khác hoặc những lợi ích khác...
+ Ngoài việc tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm thì họ còn phải lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận thì mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Các điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 BLHS là những điều kiện cần và đủ để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét có miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội hay không, nếu thiếu một trong những điều kiện trên thì không được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.
- Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự”, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 3 Điều 29 BLHS).
Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự được bổ sung trong BLHS năm 2015 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử và đáp ứng yêu cầu đấu tranh, xử lý tội phạm, tiết kiệm chi phí tố tụng và hiện nay. Đây là quy định có lợi cho người phạm tội, được áp dụng ngay không cần phải chờ đến sau 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018. Có thể nói đây là một “nguyên tắc hoà giải trong luật hình sự” nhằm giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Tuy nhiên, việc hòa giải giữa người phạm tội với người bị hại chỉ đối với hai loại tội phạm, đó là tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý) gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, còn đối với các tội phạm khác (tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý) thì không được hòa giải để người bị hại đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Tuy nhiên, nếu người bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội mà cơ quan tiến hành tố tụng xét thấy không thể miễn được thì cũng nên coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, đồng thời giải thích cho người bị hại biết vì sao không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội được.
Tuy nhiên, khi thực hiện quy định này, cũng có ý kiến cho rằng, chỉ áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng do vô ý, chứ không áp dụng đúng đối với tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý. Có lẽ, cũng chính vì khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 lúc đầu quy định: “người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý”, nên cho rằng dù tội phạm ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng thì cũng phải đều do vô ý. Để dễ áp dụng và tránh việc hiểu sai quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS nên tại Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015, đã “đảo” lại là:“Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng…”.
Quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 cũng phù hợp với một số trường hợp phạm tội do cố ý nhưng phải có đơn yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết, thì mới khởi tố như: khoản 1 Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); khoản 1 Điều 135 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh); khoản 1 Điều 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội); khoản 1 Điều 141 (Tội hiếp dâm); khoản 1 Điều 143 (Tội cưỡng dâm); khoản 1 Điều 155 (Tội làm nhục người khác): khoản 1 Điều 156 (Tội vu khống) và khoản 1 Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp)... Các tội phạm này đều là tội phạm (ít nghiêm trọng và nghiêm trọng) được thực hiện với lỗi cố ý.Vì vậy, không thể hiểu chỉ người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng do vô ý mới thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015.
Còn việc cơ quan tiến hành tố tụng có miễn trách nhiệm hình sự hay không thì phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ người phạm tội không thuộc trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự.
3. Đề xuất, kiến nghị:
- Một là, để bảo đảm sự thống nhất giữa luật nội dung (BLHS) với luật hình thức (BLTTHS) khi áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự và để tránh việc khởi tố, điều tra, truy tố... trong trường hợp có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự thìBLTTHS cần quy định thêm trường hợp không được khởi tố vụ án hình sự bởi lẽ Điều 157 BLTTHS năm 2015 quy định về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự thì không có căn cứ này. Do đó, trong thực tiễn áp dụng đã có những quan điểm chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và những người tiến hành tố tụng nói riêng về cách thức miễn trách nhiệm hình sự. Cụ thể: có quan điểm cho rằng nếu người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng trong quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm mà có đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 BLHS thì Cơ quan tiến hành tố tụng đó vẫn phải ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành một số hoạt động điều tra rồi mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can với căn cứ “được miễn trách nhiệm hình sự”. Như vậy mới đúng trình tự, thủ tục mà BLTTHS quy định (đối chiếu với quy định tại các Điều 143 và 157 BLTTHS. Tuy nhiên, quan điểm khác thì cho rằng trong trường hợp này thì chỉ cần ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do “thuộc diện được miễn TNHS” chứ không cần phải làm các bước như quan điểm thứ nhất bởi lẽ sẽ rút giảm bớt được thủ tục, thời gian, kinh phí… cho các cơ quan tiến hành tố tụng, phù hợp với chủ trương “cải cách, giảm bớt thủ tục hành chính” hiện nay. Ngoài ra còn có một lý do quan trọng hơn nữa là sẽ có lợi cho người thực hiện hành vi phạm tội vì trong lý lịch của họ sẽ không có “án tích”, đây là tư tưởng nhân văn, tiến bộ hiện nay đã được Hiến định. Ngoài hai quan điểm trên, thì quan điểm thứ ba cho rằng để việc miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội vẫn thực hiện đúng quy định của pháp luật (hiện nay) nhưng cũng có lợi cho người phạm tội thì chỉ cần ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra (không khởi tố bị can) rồi sau đó ra quyết định đình chỉ vụ án thì cũng là một cách để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Do chưa có sự thống nhất và còn nhiều bất cập như trên nên quan điểm của chúng tôi là nhà làm luật cần bổ sung căn cứ không khởi tố vụ án hình sự “khi có căn cứ tại khoản 3 Điều 29 BLHS”.
- Hai là, hậu quả của việc áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự. Hiện nay, căn cứ vào các văn bản pháp luật hình sự của Việt Nam có liên quan cho thấy, về cơ bản, người được miễn trách nhiệm hình sự không phải chịu các hậu quả pháp lý bất lợi của việc phạm tội như: Họ (có thể) không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không bị kết tội, không phải chịu hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế về hình sự khác và không bị coi là có án tích... Như vậy, người được miễn trách nhiệm hình sự không phải chịu bất kỳ hậu quả gì dưới góc độ pháp lý hình sự. Tuy nhiên, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự thì BLHS năm 2015 đã quy định kèm theo việc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục (khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn với một số nghĩa vụ nhất định). Do đó, tính cưỡng chế về mặt hình sự của chế định miễn trách nhiệm hình sự khi áp dụng đối với người phạm tội là chưa rõ ràng. Chính vì vậy, các nhà làm luật cần quy định bổ sung nội dung sau vào chế định miễn trách nhiệm hình sự trong BLHS: “Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức hay người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự, xử lý hành chính hoặc kỷ luật, cũng như giải quyết vấn đề dân sự đối với người được miễn trách nhiệm hình sự”, qua đó bảo đảm công bằng giữa người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự với người phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự./.