Chế định mới về “tha tù trước thời hạn có điều kiện” ...
Thứ ba - 17/04/2018 10:15
Chế định mới về “tha tù trước thời hạn có điều kiện” trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
Có thể nhận thấy, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã thể hiện được những tư tưởng quan trọng của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là đề cao, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Một trong những điểm mới cơ bản của BLHS năm 2015 là lần đầu tiên quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66 BLHS năm 2015) nhằm tạo cho phạm nhân có cơ hội được trở về với cộng đồng sớm hơn nhưng phải chịu sự giám sát của chính quyền cơ sở khi về hòa nhập tại cộng đồng, điều này góp phần bảo đảm an ninh trật tự, hạn chế khả năng tái phạm của họ. Thực tế trong BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 cũng đã quy định một số giải pháp rút ngắn thời hạn chấp hành hình phạt đối với người chưa chấp hành hình phạt tù trong trại giam, đó là những quy định về miễn chấp hành hình phạt (Điều 57), giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 58). Tuy nhiên, những quy định này của BLHS năm 1999 vẫn chưa thực sự chú trọng nhiều đến việc tái phạm.[1] Nhằm thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khắc phục những bất cập trong chính sách đặc xá, giảm gánh nặng cho công tác thi hành án phạt tù hiện nay nhưng vẫn bảo đảm được sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, đồng thời không làm thay đổi mục đích của hình phạt là giáo dục và trừng trị hành vi phạm tội. Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã bổ sung quy định mới về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Mặc dù là một chế định hoàn toàn mới, nhưng tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng là một trong những giải pháp để rút ngắn thời gian phải chấp hành hình phạt tù trong Trại giam, Trại tạm giam và các Nhà tạm giữ. Theo nội dung chế định này, người chấp hành án phạt tù đã thi hành án được một thời gian nhất định, thỏa mãn những điều kiện quy định, có thể được xem xét để trả tự do, thời gian thử thách đúng bằng thời gian còn lại của hình phạt tù và nếu trong thời gian thử thách người được tha tù có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ của người được tha tù có điều kiện 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt hành chính từ 02 lần trở lên, thì có thể bị Tòa án quyết định buộc người được tha tù quay trở lại Trại giam để thi hành phần hình phạt tù còn lại. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp hình phạt của bán án mới [2].
Theo Điều 66 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định điều kiện để được tha tù trước hạn có điều kiện như sau: “1. Người đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Phạm tội lần đầu; b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; c) Đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên; d) Có nơi cư trú rõ ràng; đ) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự; e) Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn. Trường hợp người phạm tội là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì thời gian đã chấp hành ít nhất là một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn; g) Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Không áp dụng quy định của Điều này đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh hoặc người bị kết án từ 10 năm tù trở lên đối với tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; 07 năm tù trở lên đối với các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và sản xuất trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy; b) Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này”
So với chế định miễn chấp hành hình phạt (Điều 62) hoặc giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 63) thì chế định tha tù trước thời hạn có một số điểm tương đồng về điều kiện áp dụng, về thẩm quyền áp dụng,… nhưng về bản chất có sự khác biệt. Trong chế định miễn chấp hành hình phạt hoặc giảm mức hình phạt đã tuyên thì Nhà nước “cho hẳn” người bị kết án toàn bộ hoặc một phần hình phạt chưa chấp hành; còn với chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì Nhà nước chỉ cho người bị kết án “nợ” một phần hình phạt chưa chấp hành, phần nợ chưa chấp hành gọi là thời gian thử thách còn lại của hình phạt tù. Người được kết án đã được giảm mức hình phạt đã tuyên còn là một trong các điều kiện để được áp dụng tha tù có điều kiện đối với trường hợp đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. 1. Bàn luận về các điều kiện tha tù trước hạn
- Phạm tội lần đầu: Quy định này hiện nay tồn tại nhiều quan điểm khác nhau * Quan điểm thứ nhất cho rằng: Phạm tội lần đầu là lần đầu bị đưa ra xét xử, vì chỉ có Toà án mới có thẩm quyền quyết định hình phạt, một người chỉ bị Toà án đưa ra xét xử và kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì mới có việc quyết định thi hành hình phạt tù và chỉ khi có quyết định thi hành hình phạt tù thì Toà án mới căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ. Nếu người phạm tội đã có nhiều lần phạm tội nhưng chưa có lần nào bị Toà án kết án thì vẫn được coi là phạm tội lần đầu. * Quan điểm thứ hai: Phạm tội lần đầu cũng là trường hợp lần đầu bị đưa ra xét xử hoặc tuy đã bị đưa ra xét xử nhiều lần, nhưng trước khi bị đưa ra xét xử lần này, nếu hành vi phạm tội trước đó đã được xoá án tích hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn được coi là phạm tội lần đầu. * Quan điểm thứ ba: Phạm tội lần đầu là trường hợp một người thực hiện một hoặc một số hành vi phạm tội nhưng chưa bị xử lý hoặc chưa bị xét xử lần nào, lần đưa ra xét xử này là lần đầu tiên.
Từ những quan điểm nêu trên nhận thấy phạm tội lần đầu được hiểu là người chưa từng bị kết án, chưa có tiền án, tiền sự. Có thể hiểu phạm tội lần đầu là từ trước tới nay chưa phạm tội lần nào. Nếu các lần phạm tội trước đó đã bị xử lý hành chính, đã bị kết án chưa được xoá án tích hoặc đã được xoá án tích, hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì lần phạm tội mới này vẫn không được coi là phạm tội lần đầu. - Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt: Điều kiện này chúng ta phải căn cứ vào Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và Thông tư số 06/2018/TT-BCA ngày 12/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân có hiệu lực từ ngày 29/3/2018 thay thế cho Thông tư số 40/TT-BCA ngày 27/6/2011. Đánh giá người chấp hành án phạt tù có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt phải thể hiện qua kết quả xếp loại của nhiều tháng, nhiều quý liên tục, các quyết định khen thưởng của Trại giam, Trại tạm giam trước khi được quyết định áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện chứ không thể căn cứ vào việc xếp loại cải tạo khá, tốt 01 hoặc 02 kỳ trước khi được quyết định tha tù có điều kiện. Bên cạnh đó, để được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người đang chấp hành án phải thỏa mãn điều kiện đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù ít nhất là 01 lần đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. - Có nơi cư trú rõ ràng: Một trong các điều kiện để người đang chấp hành án được áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện là phải có nơi cư trú rõ ràng. Nơi cư trú của công dân theo quy định tại Điều 12 Luật cư trú được xác định: “1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Đối với chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 5 m2 sàn/01 người. 2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này, thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn.”
Việc xác định nơi cư trú rõ ràng của người bị kết án khi tha tù trước thời hạn có điều kiện giúp thuận lợi cho việc quản lý, giám sát người bị kết án trong quá trình chấp hành thời gian thử thách - Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí: Hình phạt bổ sung là biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong luật hình sự, do Tòa án nhân danh nhà nước tuyên kèm theo hình phạt chính trong bản án kết tội với người bị kết án, tước bỏ, hạn chế những quyền và lợi ích nhất định của họ hoặc đặt ra những nghĩa vụ pháp lý nhất định đối với họ nhằm củng cố, tăng cường hiệu quả của hình phạt chính và phòng ngừa tội phạm. Việc chấp hành xong hình phạt bổ sung của người bị kết án là điều kiện quan trọng khi tha tù trước thời hạn. Hình phạt bổ sung bao gồm phạt tiền, đóng án phí, bồi thường thiệt hại, xung công quỹ nhà nước, cấp dưỡng…để đủ các điều kiện tha tù trước thời hạn thì người chấp hành án phải thực hiện đầy đủ và thực hiện xong các hình phạt nêu trên thì mới được xem xét, đề nghị tha tù trước hạn.
- Ngoài ra điều kiện về kết quả thi hành án còn được thể hiện ở quy định người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải “Đãchấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn. Trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn”. [3] Tuy nhiên, người bị kết án phạm một trong những tội sau đây không được tha tù trước thời hạn có điều kiện bao gồm: a) Người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh hoặc người bị kết án từ 10 năm tù trở lên đối với tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; 07 năm tù trở lên đối với các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và sản xuất trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy; Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật hình sự năm 2015.[4] 2. Thời gian thử thách và hậu quả pháp lý nếu người được tha tù trước hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc bị xử phạt hành chính hoặc phạm tội mới
BLHS năm 2015 quy định người được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện phải chịu một thời gian thử thách. Thời gian thử thách này được xác định là thời gian chấp hành phần hình phạt tù còn lại theo bản án mà người đó đang thi hành. Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là thời điểm người phải chấp hành án chính thức được trả tự do từ cơ sở giam giữ. Trong thời gian thử thách, có 02 hậu quả pháp lý xảy ra nếu người được tha tù vi phạm, đó là:
- Thứ nhất, người được tha tù có điều kiện nếu cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với họ và buộc họ phải quay trở lại Trại giam để chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành xong mà không được xem xét trừ thời gian đã được tạm tha vào thời gian thi hành án phạt tù còn lại. Tuy nhiên, trong trường hợp này khả năng người được tha tù bị hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện chỉ là “có thể” vì còn phụ thuộc vào sự đánh giá của Tòa án về mức độ vi phạm của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, nhất là trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính.
- Thứ hai, trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì hậu quả người được tha tù bị hủy bỏ biện pháp tha tù có điều kiện là “đương nhiên”. Tòa án xét xử buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp hình phạt của bản án mới với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước theo quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án tại Điều 56 của BLHS.[5] Việc quy định vấn đề này trong BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính khả thi của việc áp dụng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thực tế, có ý nghĩa răn đe buộc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải tích cực lao động, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật trong thời gian thử thách và có tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa người phải chấp hành án tiếp tục phạm tội mới. 3. Quy định về rút ngắn thời gian thử thách của người được tha tù có điều kiện (Về thủ tục xét, đề nghị rút ngắn thời gian thử thách tha tù trước thời hạn có điều kiện được quy định cụ thể tại Thông tư 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018)
Việc BLHS năm 2015 quy định về biện pháp tha tù có điều kiện thể hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách hình sự, mang tính nhân đạo, khuyến khích sự tham gia của gia đình người phạm tội và cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ và giám sát người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tích cực cải tạo, nhận thức ra lỗi lầm của mình, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, trở thành công dân có ích cho xã hội. Để tạo điều kiện cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thêm động lực học tập cải tạo, sớm tái hòa nhập cộng đồng trở thành công dân tự do, có ích cho xã hội, BLHS năm 2015 quy định việc giảm thời hạn thử thách cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.[6]