Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là khâu công tác cuối cùng trong kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Thông qua công tác này, Viện kiểm sát sẽ phát hiện các vi phạm như: áp dụng không đúng pháp luật về tố tụng, hoặc pháp luật về nội dung (do nhầm lẫn giữa Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015), vi phạm trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, vi phạm về tính án phí, áp dụng chưa đúng quy định của pháp luật về nội dung… để ban hành văn bản kiến nghị, kháng nghị.
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ bàn về vi phạm trong cách tính án phí dân sự nói chung, kinh doanh thương mại nói riêng. Như chúng ta đã biết cơ sở pháp lý để tính án phí các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại… là Nghị quyết 326/ 2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Trong đó có quy định rõ từng trường hợp áp dụng đối với loại án phí có giá ngạch, không giá ngạch tương ứng với từng vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại… rất rõ ràng cụ thể.
Tuy nhiên thực tế có một số bản án, Tòa án có vi phạm trong cách tính án phí. Nguyên nhân là do Tòa án áp dụng không đúng quy định của Nghị quyết 326 nêu trên. Xin đưa ra ví dụ cụ thể để chúng ta cùng nghiên cứu và trao đổi:
Qua giải quyết về hợp đồng tín dụng (vay tiền), trên cơ sở có đầy đủ chứng cứ, nên Tòa án đã quyết định buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 1.079.028.333đ (một tỷ không trăm bảy mươi chín triệu không trăm hai mươi tám ngàn ba trăm ba mươi ba đồng), đồng thời buộc bị đơn phải nộp án phí KDTM sơ thẩm với số tiền là 53. 951.416 đ (1.079.028.333đ x 5% = 53. 951.416 đ). Qua kiểm sát bản án đã phát hiện vi phạm, nên Viện kiểm sát đã ban hành kháng nghị phúc thẩm yêu cầu sửa bản án sơ thẩm về án phí. Thế nhưng sau khi nhận được quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 268 BLTTDS 2015 để ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung bản án có sai phạm này. Bởi Tòa án cho rằng đây thuộc trường hợp do “
tính toán sai” như quy định Điều 268 BLTTDS 2015:
“1.
Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính tóan sai.
2.
Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Thẩm phán phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên Hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự nếu bản án đã được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự…”.
Theo quan điểm cá nhân tôi, việc quy định điều luật này nhằm bảo đảm bản án đã ban hành phải nghiêm minh, tránh có sự tùy tiện sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp có sai sót nhỏ, sai sót quá rõ ràng (như lỗi về chính tả, đánh máy sai về số liệu, hay tính toán có sai sót) làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của bản án thì mới được sửa chữa, bổ sung ngược lại thì không được phép sửa chữa, bổ sung bản án.
Liên hệ vụ việc nêu trên nhận thấy, nguyên nhân bản án KDTM sơ thẩm có sai phạm về số tiền án phí buộc bị đơn phải chịu là do Tòa án áp dụng không đúng quy định của Nghị quyết 326/ 2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án từ đó dẫn đến tính toán án phí sai. Lẽ ra trong trường hợp này, Tòa án phải áp dụng
điểm d tiểu mục 1.4 mục 1 phần A danh mục án phí ban hành kèm theo Nghị quyết 326/ 2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội để xác định án phí số tiền phải nộp là:
36.000.000 đ + 3% (1.079.028.333 đ - 800.000.000 đ) = 44.370.849 đ.
Tuy nhiên Tòa án lại áp dụng
điểm b tiểu mục 1.4 mục 1 phần A danh mục án phí ban hành kèm theo Nghị quyết 326/ 2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội buộc bị đơn phải nộp tiền án phí KDTM sơ thẩm là: 53.951.416 đ, cao hơn 9.580.567 đ làm ảnh hưởng hưởng đến quyền lợi của bị đơn.
Như vậy qua phân tích nêu trên, chúng ta thấy rất rõ bài toán này Tòa án tính toán rất chính xác (1.079.028.333đ x 5% = 53. 951.416 đ) không thấy biểu hiện của việc tính nhầm, hay tính toán sai như Điều 268 BLTTDS 2015 đã quy định.
Cũng cần nói thêm rằng nếu thuộc trường hợp sửa chữa, bổ sung bản án thì tại khoản 2 điều luật này còn quy định khi sửa chữa bổ sung bản án “
thì Thẩm phán phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên Hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án”. Thế nhưng thực tế qua kiểm sát hồ sơ của Tòa án cũng không có bất kỳ văn bản nào thể hiện có ý kiến của các Hội thẩm nhân dân là thành viên của Hội đồng xét xử vụ án đó.
Qua rà soát các văn bản pháp luật cũng chưa có hướng dẫn cụ thể việc phối hợp giữa Thẩm phán với các Hội thẩm nhân dân trong việc sửa chữa, bổ sung bản án được thực hiện như thế nào? Cần phải có biên bản lưu trong hồ sơ vụ án hay không? Hay chỉ có bản thân Thẩm phán sửa chữa, bổ sung bản án mà thôi. Nhưng theo tôi nhận thức đúng điều khoản này là nếu quyết định sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định do Thẩm phán ký đơn phương không thay mặt Hội đồng xét xử là có vi phạm nghiêm trọng cần phải xem xét hủy.
Qua bài viết này, bản thân tôi muốn trao đổi với đồng nghiệp nhận thức về quy định của Điều 268 BLTTDS 2015. Qua đó nhằm chia sẻ để chúng ta nên kiểm sát chặt chẽ hơn đối với các quyết định sửa chữa, bổ sung bản án của Tòa án n
hằm làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của Ngành Kiểm sát nhân dân/.