Tại khoản 18 Điều 55 của Luật TTHC năm 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự:
“18. Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án”.
Căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án được quy định tại khoản 1 Điều 141 của Luật TTHC năm 2015 là:
“1. Tòa án quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc tuyên bố phá sản mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng;
b) Đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;
c) Đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà một trong các đương sự không thể có mặt vì lý do chính đáng, trừ trường hợp có thể xét xử vắng mặt đương sự;
d) Cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan khác hoặc kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan;
đ) Cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại; cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;
e) Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản đó.”
Đối với trường hợp tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 165 để tạm đình chỉ giải quyết vụ án:
“1. Tại phiên tòa, nếu có một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 141 của Luật này thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.”
Như vậy, theo các nội dung viện dẫn nêu trên thì Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử chỉ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 141 của Luật này; còn trường hợp có đương sự “Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án” (nếu được Tòa án chấp nhận) thì không biết căn cứ vào đâu để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Luật TTHC năm 2015 mới chỉ quy định đương sự có quyền “Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án” nhưng chưa có hướng dẫn những trường hợp nào thì đương sự có quyền đề nghị tạm đình chỉ, hay chỉ cần đương sự có yêu cầu tạm đình chỉ thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Thứ hai, tạm đình chỉ giải quyết vụ án sau khi hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa:
Tại khoản 2 Điều 187 của Luật TTHC năm 2015 quy định:
“2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không được quá 30 ngày kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa, nếu lý do để tạm ngừng phiên tòa không còn. Hết thời hạn này, nếu lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục, Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa.”
Theo quy định trên, sau khi hết thời hạn 30 ngày, nếu lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án; điều này có nghĩa Tòa án vẫn phải tiếp tục mở lại phiên tòa để Hội đồng xét xử tiến hành thảo luận để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, việc mở lại phiên tòa, triệu tập đương sự chỉ mỗi việc để Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án là bất cập, gây lãng phí cho Nhà nước, thời gian của các đương sự. Mặt khác, khi Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian tiếp tục phiên tòa. Tuy nhiên, việc quy định phải thông báo về thời gian mở lại phiên tòa nhưng không ấn định thời hạn phải mở lại phiên tòa là bao nhiêu dẫn đến tình trạng mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết vụ án bị chậm, kéo dài.