Nhằm trang bị cho cán bộ, Kiểm sát viên viện kiểm sát hai cấp các nội dung cơ bản về công tác quản lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; qua đó nghiên cứu và vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn công tác này, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ năng nghiệp vụ về công tác quản lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ năm 2024.
Chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Tỉnh Ủy viên, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh. Cùng tham dự có các đồng chí là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Kiểm sát viên phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự (Phòng 1) và Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự VKSND cấp huyện.
Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Tỉnh Ủy viên, Bí thư ban cán sự Đảng,
Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị
Hội nghị đã được nghe đồng chí Dương Quốc Thái, Phó Trưởng phòng 1 thông qua Báo cáo chuyên đề “Kỹ năng nghiệp vụ về công tác quản lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ”. Thời gian qua, VKSND hai cấp đã quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của BLTTHS, các văn bản có liên quan cũng như quy trình kiểm sát trong công tác quản lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm rà soát, quản lý hiệu quả, kịp thời phục hồi các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ khi có căn cứ. Tuy nhiên, trên thực tiễn vẫn còn tồn tại những thiếu sót, hạn chế, vướng mắc trong việc xử lý các vụ án hình sự dẫn đến phải tạm đình chỉ như: không phát hiện được người thực hiện hành vi phạm tội hoặc người phạm tội bỏ trốn... làm cho các vụ án phải kéo dài, tội phạm không được xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, qua thực tiễn nhận thấy sau khi tạm đình chỉ vụ án, vụ việc, hoạt động điều tra sau đó chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng chú trọng và thực hiện thường xuyên; quá trình điều tra, xác minh các tình tiết có liên quan đến người thực hiện tội phạm và xác định hành vi phạm tội còn bỏ ngỏ; không tiếp tục áp dụng các biện pháp điều tra để giải quyết các lý do tạm đình chỉ vụ án, vụ việc.
Đ/c Dương Quốc Thái, Phó trưởng phòng 1 thông qua Báo cáo chuyên đề
Tiếp tục Hội nghị, các đơn vị tiến hành tham luận, tập trung đánh giá về những tồn tại, hạn chế phát sinh qua thực tiễn áp dụng các văn bản pháp luật về công tác quản lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ tại địa phương trong thời gian qua. Đồng thời phân tích, làm rõ thêm về những nguyên nhân, các khó khăn, vướng mắc, bất cập về công tác nghiệp vụ và đề xuất các biện pháp, giải pháp khắc phục hoặc kiến nghị đến Cơ quan có thẩm quyền cấp trên chỉ đạo hướng dẫn, giải đáp kịp thời, bảo đảm việc triển khai tổ chức thực hiện được thống nhất, chặt chẽ, đúng pháp luật.
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hải, Trưởng phòng 1 đã hướng dẫn, giải đáp các ý kiến đề nghị của các đơn vị VKSND cấp huyện về các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng các quy định pháp luật và về kỹ năng nghiệp vụ. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ của VKSND hai cấp trong thời gian tới.
Đ/c Lê Minh Hải, Trưởng phòng 1 giải đáp khó khăn, vướng mắc
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Tỉnh Ủy viên, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh đánh giá cao sự chuẩn bị của các đơn vị tham dự hội nghị. Qua đó, đã kịp thời đánh giá những ưu điểm, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới như: Quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ luật TTHS và các văn bản có liên quan; Kịp thời triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Ngành; Tiếp tục phát huy tốt các kết quả đã đạt được, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, thiếu sót trong thời gian qua; Chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch và đề ra các giải pháp thực hiện, đảm bảo chất lượng hiệu quả; Xây dựng mối quan hệ tốt giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là mối quan hệ với Cơ quan điều tra và Tòa án cùng cấp. Từ đó góp phần xử lý kịp thời, chính xác, đúng pháp luật các vụ, việc phát sinh trong quá trình kiểm sát, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ, việc tạm đình chỉ./.