Sáng ngày 20/8/2024, VKSND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Hội nghị kết hợp chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2023” và Sơ kết Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội; Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của liên ngành tư pháp trung ương quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên toà trực tuyến (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 33 và Thông tư liên tịch số 05). Hội nghị tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến được kết nối từ điểm cầu VKSND tỉnh đến 08 điểm cầu Viện kiểm sát cấp huyện.
Đ/c Hồ Ánh Tuyết, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hậu Giang phát biểu khai mạc Hội nghị
Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Hồ Ánh Tuyết, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, cùng với sự tham gia của các đồng chí là Chánh Thanh tra, Lãnh đạo Phòng 1,7,9, Lãnh đạo Văn phòng tổng hợp và toàn thể công chức, Kiểm sát viên Phòng 1, 7, 9. Tại VKSND cấp huyện có sự tham dự của Lãnh đạo, Kiểm sát viên thực hiện công tác tham mưu giải quyết đơn khiếu nại tố cáo, công chức kiêm nhiệm công nghệ thông tin.
Hình ảnh các điểm cầu VKSND cấp huyện tại hội nghị
Khai mạc Hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh nhấn mạnh: Từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được thi hành, nhận thức của công chức trong thực thi công vụ được nâng cao và có sự chuyển biến đáng kể trong chủ động nghiên cứu nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện đúng quy định pháp luật, hạn chế thấp nhất những sai sót trong thực thi công vụ. Qua 06 năm triển khai thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, công tác quản lý, giải quyết đơn yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị đã đạt kết quả tích cực; đảm bảo giải quyết các yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại do cơ quan tố tụng gây ra cơ bản được đảm bảo; hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại VKSND hai cấp tỉnh Hậu Giang ngày càng đi vào nền nếp, thống nhất. Tuy nhiên, cần phải xác định công tác bồi thường nhà nước không chỉ mang tính sự vụ hay chỉ nghiên cứu thực hiện khi phát sinh vụ việc mà cần phải xác định ưu tiên mục tiêu phòng ngừa, không để xảy ra oan, sai và phải tạo được nền nếp trong công tác quản lý của Viện kiểm sát hai cấp.
Đối với việc tổ chức các phiên toà trực tuyến theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc Hội, VKSND hai cấp thời gian qua đã tích cực, chủ động phối hợp với Toà án cùng cấp tổ chức nhiều phiên toà trực tuyến, phiên toà trực tuyến rút kinh nghiệm, hàng năm các đơn vị đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu của Ngành đề ra năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp tổ chức cũng còn có một số khó khăn, vẫn còn đơn vị lúng túng chưa tổ chức được phiên toà trực tuyến, do đó yêu cầu hội nghị nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận để xác định nguyên nhân đề ra giải pháp thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Đ/c Bùi Văn Hà - Trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án hình sự (Phòng 7)
trình bày dự thảo báo cáo chuyên đề
Qua thảo luận, ý kiến của đại diện Lãnh đạo cấp phòng và VKSND cấp huyện đã xác định thời gian qua công tác bồi thường trong lĩnh vực tố tụng hình sự đã được Lãnh đạo VKSND tỉnh quan tâm chỉ đạo và sự hướng dẫn phối hợp của phòng nghiệp vụ cũng như Vụ 7 Viện kiểm sát nhân dân Tối cao kịp thời nên đã đi vào nền nếp, 09 đơn/ 03 việc phát sinh đều đã giải quyết dứt điểm, đạt 100%. Riêng đối với việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, các đơn vị đều gặp khó khăn khi công tác tổ chức theo quy định của Nghị quyết số 33 và Thông tư liên tịch số 05 thì Tòa án là đơn vị chủ động nhưng việc xác định chỉ tiêu phối hợp tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với các đơn vị VKS trong thời gian qua đã gây khó khăn do thiếu kinh phí, phương tiện và nguồn nhân lực. Qua đó đề xuất Lãnh đạo VKSND tỉnh một số giải pháp tháo gỡ khó khăn như xây dựng quy chế phối hợp, kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu, đề nghị hướng dẫn tiêu chí xác định phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự,…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hồ Ánh Tuyết ghi nhận những kiến nghị đề xuất đồng thời yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ, Viện trưởng VKSND cấp huyện tiếp tục quản lý và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát. Đồng thời chỉ đạo Kiểm sát viên tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, tuyệt đối không để xảy ra VKS phê chuẩn việc bắt, tạm giam, khởi tố, truy tố bị can mà không có căn cứ, trái pháp luật, quán triệt việc chống oan, sai là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với Toà án cùng cấp và các đơn vị có liên quan để tổ chức các phiên toà trực tuyến, trong đó Phòng 1, Phòng 7, Phòng 9 quan tâm phối hợp tổ chức phiên toà trực tuyến rút kinh nghiệm cụm. Phòng 7 chịu trách nhiệm chính tham mưu Lãnh đạo viện VKSND tỉnh trong việc xây dựng quy chế phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh, TAND tỉnh, Công an tỉnh trong tổ chức xét xử trực tuyến, xét xử trực tuyến rút kinh nghiệm các vụ án hình sự, dân sự, hành chính… Kiến nghị Viện kiểm sát Tối cao đề xuất Quốc Hội sửa đổi Nghị quyết số 33; Thông tư liên tịch số 05 cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay./.