Trần Quang Khải, Bí thư Ban cán sự đảng,
Viện trưởng VKSND tỉnh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ và công tác cán bộ, Người nói “Cán bộ là gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, để có cán bộ tốt, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Công tác cán bộ là một nhiệm vụ then chốt của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu: Lựa chọn, đào tạo, đánh giá, sử dụng và chính sách cán bộ. Đó là các khâu liên hoàn, nếu làm không tốt bất cứ một khâu nào, đều ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ và thành quả cách mạng. Đảng ta xác định “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”.
Trong những năm qua, các chỉ thị của Viện trưởng và nghị quyết của Ban cán sự đang VKSND tối cao điều xác định công tác cán bộ là khâu đột phá, trọng tâm; tập trung nâng chất công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và tổ chức thực hiện việc luân chuyển, điều động cán bộ để tạo nguồn cán bộ từ cơ sở, cán bộ có kiến thức thực tế,…Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách tư pháp thời gian tới đã được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 là“Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên phải thực sự liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.Trước yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp thì việc xây dựng đội ngũ công chức, Kiểm sát viên trong sạch, có đủ phẩm chất, năng lực là một nội dung rất quan trọng và cấp thiết.
Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cán bộ đối với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, trong những năm qua, Ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo VKSND tỉnh luôn chú trọng đổi mới và nâng chất công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, Kiểm sát viên, nhất là công tác tự đào tạo là một nhu cầu tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; mà trong đó, đổi mới tổ chức bộ máy, đổi mới con người là một trong những nội dung trọng tâm, đột phá nhằm xây dựng đội ngũ công chức, Kiểm sát viên trung thành với Đảng, tận tụy với công vụ, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đã và đang đặt ra. Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, thời gian qua, VKSND tỉnh Hậu Giang đã đề ra một số giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng đối với công tác cán bộ, giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, trên cơ sở phát huy vai trò người đứng đầu các đơn vị VKSND hai cấp. Đồng thời, có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác cán bộ với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tổ chức với công tác kiểm tra, giám sát nhằm xây dựng đội ngũ công chức, Kiểm sát viên phải thật sự gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý. Chỉ có như vậy, công chức, Kiểm sát viên VKSND hai cấp mới có đủ bản lĩnh và sức mạnh để hoàn thành tốt trọng trách được giao, tư cách của người cán bộ Kiểm sát mới được giữ gìn và tôn vinh.
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, Kiểm sát viên nhằm tạo điều kiện đểcông chức, Kiểm sát viên thay đổi môi trường công tác, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ.Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, Kiểm sát viên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý VKSND hai cấp; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp qua đánh giá không có khả năng phát triển hoặc sau khi quy hoạch nhưng không phát huy được năng lực, sở trường công tác. Đồng thời gắn công tác quy hoạch với luân chuyển, điều động và đào tạo cán bộ; xây dựng kế hoạch luân chuyển đối với công chức, Kiểm sát viên, nhất là công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, trong nguồn quy hoạch. Đẩy mạnh công tác điều động để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn nhằm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý có chất lượng cho trước mắt cũng như lâu dài.
Thứ tư, xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Có đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tốt mới có đội ngũ cán bộ có chất lượng, có năng lực, đủ bản lĩnh để đảm nhiệm và hoàn thành tốt công việc được giao. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là công tác tự đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, Kiểm sát viên như: Tổ chức nhiều cuộc thivề kỹ năng nghiệp vụ; các hội nghị chuyên đề triển khai sâu các quy định của pháp luật, quy chế, quy trình nghiệp vụ của Ngành; chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Viện trưởng VKSND cấp huyện chú trọng việc phân công Kiểm sát viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm để trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn nghiệp vụ cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên mới được bổ nhiệm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các cuộc thi trực tuyến vừa đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu của Ngành, vừa đảm bảo tốt các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ năm, đổi mới công tác đánh giá công chức và Kiểm sát viên, chỉ có đánh giá đúng mới bố trí, sử dụng công chức, Kiểm sát viên một cách hợp lý nhằm phát huy năng lực, sở trường công tác của từng cá nhân. Đánh giá công chức là một trong những yếu tố thường xuyên, quan trọng trong quá trình quy hoạch, luân chuyển, đào tạo và bố trí sử dụng công chức. Phải lấy hiệu quả hoạt động thực tiễn của mỗi công chức, Kiểm sát viên để làm thước đo chủ yếu trong đánh giá, phân loại công chức; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá. Đối với lãnh đạo quản lý phải xem xét kết quả chỉ tiêu công tác của đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách để đánh giá, nhất là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Thực hiện việc đánh giá đúng năng lực, sở trường của từng công chức, Kiểm sát viên một cách công tâm, công bằng, khách quan sẽ giúp cho việc bố trí, sắp xếp công chức, Kiểm sát viên hiệu quả hơn, hợp lý hơn qua đó phát huy được sở trường công tác của từng cá nhân.
Thứ sáu,phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ VKSND hai cấp-đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh. Thực tiễn đã chỉ rõ ở đâu và khi nào các tổ chức đảng, các đơn vị thật sự đoàn kết, thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ; vai trò lãnh đạo của cấp ủy được phát huy, cán bộ, đảng viên nêu cao tính tiên phong, gương mẫu thì ở đó tổ chức đảng, đơn vị trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thực tiễn đã chứng minh, những thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát Hậu Giang thời gian qua là bởi chúng ta luôn đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo. Đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đây vừa là thời cơ nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, do đó mỗi công chức, Kiểm sát viên, nhất là người đứng đầu các đơn vị phải thật sự chủ động đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành, không thể dựa vào thói quen, cách nghĩ, cách làm củ. Sự nghiệp cải cách tư pháp đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, nhiệm vụ cao hơn, toàn diện hơn, do đó đòi hỏi người đứng đầu các đơn vị VKSND hai cấp phải suy ngẫm về khoảng cách giữa thực tế hiện nay với yêu cầu xây dựng một nền tư pháp văn minh, tiến bộ để từ đó đổi mới mạnh mẽ tư duy, biện pháp, phương pháp lãnh đạo, điều hành.
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của ngành Kiểm sát Hậu Giang; những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành thời gian qua mới chỉ là bước đầu. Để xây dựng được đội ngũ công chức, Kiểm sát viên thật sự trong sạch, vững mạnh cần phải có sự đổi mới toàn diện, sâu sắc trên tất cả các khâu công tác từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ,... Đây là công việc khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh. Công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng ngành Kiểm sát Hậu Giang dù có khó khăn, vất vả đến đâu vẫn có thể hoàn thành tốt nếu chúng ta có đội ngũ công chức, Kiểm sát viên vừa hồng, vừa chuyên, bản lĩnh, ngang tầm nhiệm vụ./.