Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, từ đó đến nay, ngày 26-7 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành kiểm sát. Trải qua 57 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, phối hợp chặt chẽ của cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành kiểm sát nhân dân (KSND) đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách; trung thành, tận tụy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó... Ông Trần Quang Khải (ảnh), Viện trưởng Viện KSND tỉnh, nhấn mạnh:
- Viện KSND tỉnh được thành lập cùng với việc thành lập tỉnh Hậu Giang vào tháng 1-2004. Đội ngũ cán bộ ngành khi mới thành lập chỉ có mấy chục người, phần lớn từ Cần Thơ về; cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động hầu như chưa có gì. Với sự quyết tâm cao của tập thể và cá nhân, viện KSND hai cấp trong tỉnh đã sớm vượt qua khó khăn, đoàn kết, ổn định bộ máy; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị.
Chúng tôi đã thực hiện có chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tập trung thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, trọng tâm là tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, vụ án hành chính. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo quy định; xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh. Đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm sát viên hai cấp đã có bước phát triển cả về số lượng, không ngừng trưởng thành. Nội bộ ngành đoàn kết, kiên định, vững vàng, dũng cảm đấu tranh bảo vệ pháp luật, giữ vững phẩm chất và đạo đức cách mạng.
Để đạt được kết quả trên, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh luôn đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về tổ chức bộ máy, cán bộ, quản lý, điều hành, kỹ năng, nghiệp vụ để từng bước khẳng định chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn cải cách tư pháp hiện nay.
Ông đánh giá gì về chất lượng kiểm sát, hoạt động chuyên môn của ngành qua từng năm ?
- Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Viện KSND Hậu Giang đã quán triệt các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách hình sự, tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm theo thẩm quyền.
Đã kiểm sát sớm hơn, chặt chẽ và hiệu quả hơn ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự nên không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tỷ lệ án viện kiểm sát xử lý và truy tố hàng năm đều đạt cao, năm sau cao hơn năm trước (trên 99%); nhiều vụ trọng án, án phức tạp, án dư luận quan tâm được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đáp ứng yêu cầu cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chúng tôi cũng có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa, bảo đảm việc tranh tụng dân chủ, công khai, không để xảy ra trường hợp viện kiểm sát truy tố, tòa án tuyên không phạm tội. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản trong Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 63 và Nghị quyết số 111 của Quốc hội đều được thực hiện nghiêm túc, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt yêu cầu...
Đâu là những hạn chế của ngành cần khắc phục, thưa ông ?
- Tôi cho rằng vẫn còn một số đơn vị chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; chưa theo sát, nắm chắc tiến độ điều tra, dẫn đến một số vụ án thời hạn điều tra kéo dài; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; phần lớn các kiến nghị về những vi phạm, thiếu sót chủ yếu trong từng vụ việc cụ thể nên hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
Cán bộ, kiểm sát viên, nhân viên ngành sẽ tiếp tục phấn đấu, cống hiến như thế nào cho công tác cải cách tư pháp và xứng đáng hơn với lời Bác dạy: “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”, thưa ông ?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng các tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014 nhằm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của viện kiểm sát theo quy định. Tích cực cùng các cơ quan tư pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm.
Tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, để thực hiện tốt chức năng này đòi hỏi phải chú trọng cả hai mặt là “không làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm”; đề cao và tuân thủ nguyên tắc tư pháp dân chủ, pháp quyền đã được Hiến pháp quy định, bảo đảm mọi quyết định của các cơ quan tố tụng có căn cứ, đúng quy định. Làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách để chủ động tham mưu cấp ủy đảng và kiến nghị với các ngành hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu - đó chính là trách nhiệm chính trị của ngành trước Đảng, trước nhân dân.
Trong tình hình hiện nay, hơn bao giờ hết, cán bộ, công chức viện KSND hai cấp càng phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm lời dạy của Bác. Cán bộ kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, khách quan; phải rèn cho mình phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, khiêm tốn. Có cẩn trọng, khiêm tốn mới đủ tỉnh táo để nhận thức chân lý đúng đắn và mới có được sự ủng hộ của nhân dân. Mỗi cán bộ, công chức ngành kiểm sát Hậu Giang phải là tấm gương trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực sự trở thành chỗ dựa của công lý...
Ông Trần Quang Khải: “Nguyên nhân chủ quan của hạn chế là do năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, kiểm sát viên còn hạn chế; lãnh đạo một số đơn vị chưa thật sự đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Quan hệ phối hợp giữa viện kiểm sát với các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số đơn vị viện kiểm sát cấp huyện có lúc, có nơi chưa thật sự chặt chẽ, kịp thời”. |
Với nhiều thành tích đạt được, ngành KSND Hậu Giang có 1 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng II; hạng III cho 1 tập thể và 3 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 4 tập thể, 9 cá nhân... |