Tích cực thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngủ cán bộ kiểm sát viên

Các tội phạm về chức vụ...

Thứ năm - 29/03/2018 09:36
NHỮNG NỘI DUNG LỚN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CHƯƠNG XXIII CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ
 
           Bộ luật hình sự năm (BLHS) 1999 đã dành riêng 01 chương với 02 mục, 15 điều quy định tội phạm về chức vụ, trong đó Mục A với 07 điều luật quy định các tội phạm về tham nhũng và mục B cũng với 07 điều luật quy định về tội phạm khác chức vụ.
Nhiệm vụ sửa đổi BLHS, trong đó có Chương tội phạm về chức vụ đặt vấn đề phải đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó:
- Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm này, trong đó, tinh thần chung nhất là phải xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng.
- Thể chế hóa yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, trong đó có yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.
- Tháo gỡ những vướng mắc qua tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999.
- Phù hợp với các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trên cơ sở đó, BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã được Quốc hội thông qua, với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng sau đây:
1. Về tổng quan
BLHS năm 2015 tiếp tục dành 01 Chương riêng (Chương XXIII) quy định các tội phạm về chức vụ gồm 15 điều, 01 điều quy định khái niệm tội phạm chức vụ; mục A (các tội phạm về tham nhũng) gồm 07 điều; mục B (các tội phạm khác về chức vụ) gồm 07 điều. Cả 15 điều luật này đều được sửa đổi, bổ sung.
2. Mở rộng phạm vi các tội phạm chức vụ sang khu vực tư
* Lý do:
- Thực tiễn bắt đầu xuất hiện và với mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn của hành vi tham nhũng trong khu vực tư, đòi hỏi phải có các biện pháp mạnh hơn để xử lý vấn đề này của thực tiễn. Đồng thời, để bảo đảm cùng hành vi như nhau (xảy ra ở khu vực công hay khu vực tư) cùng được định tội danh thống nhất, không phân biệt.
- Các văn bản của Đảng liên quan đến chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng đặt vấn đề nghiên cứu và từng bước quy định hành vi tham nhũng trong khu vực tư.
- Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng khuyến nghị các quốc gia mở rộng phạm vi chống tham nhũng sang khu vực tư, chứ không chỉ tập trung ở khu vực công.
* Sửa đổi:
Trên cơ sở đó, BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những điều chỉnh sau đây:
- Thứ nhất, điều chỉnh khái niệm tội phạm về chức vụ để bao hàm cả tội phạm về chức vụ trong khu vực tư. Theo đó, chủ thể của tội phạm không chỉ là người có chức vụ khi thực hiện công vụ (cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước) mà còn bao gồm người có chức vụ trong khi thực hiện nhiệm vụ tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Cụ thể, Điều 352 được sửa đổi như sau:
Điều 352. Khái niệm tội phạm về chức vụ
1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”.
- Thứ hai, thực hiện “mở từng bước” sang khu vực tư, do đó BLHS chỉ mở sang khu vực tư đối với 04 tội: tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ. Cụ thể:
Khoản 6 Điều 353 (Tội tham ô tài sản) quy định: "Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”;
Khoản 6 Điều 354 (Tội nhận hối lộ) quy định: "Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”;
Khoản 6 Điều 364 (Tội đưa hối lộ) quy định: "Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này”;
Khoản 7 Điều 365 (Tội môi giới hối lộ) quy định: "Người nào mà môi giới hối lộ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này”.
3. Bổ sung việc xử lý hình sự đối với hành vi hối lộ công chức nước ngoài, công chức của các tổ chức quốc tế công
* Lý do:
- Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng quy định việc tham nhũng của công chức gồm 02 diện (công chức quốc gia) và (công chức nước ngoài và công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công). Khái niệm này được quy định và thể hiện xuyên suốt trong Công ước.
- Thực tiễn ở Việt Nam thời gian vừa qua và hiện nay cho thấy các quốc gia nước ngoài, các tổ chức quốc tế vào Việt Nam đặt quan hệ hợp tác, quan hệ làm ăn ngày càng nhiều và trong đó sử dụng đội ngũ công chức nước ngoài hoặc nhân sự nước sở tại để làm việc ở bộ máy này. Và thực tiễn cũng đã xuất hiện vụ việc công chức nước ngoài phạm tội thuộc Chương này trên lãnh thổ Việt Nam. Song do BLHS năm 1999 chưa quy định nên cũng gặp khó khăn trong xử lý.
* Sửa đổi:
Để bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, giải quyết vấn đề thực tế đặt ra, nhất là trong bối cảnh tăng cường hợp tác quốc tế hiện nay, BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định như sau:
Khoản 6 Điều 364 tội đưa hối lộ: "Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này”.
4. Mở rộng nội hàm "của hối lộ”
* Lý do:
- Từ thực tiễn của Việt Nam thời gian qua, việc đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ đã không chỉ dừng lại ở tiền, tài sản, hiện vật hoặc các lợi ích vật chất khác trị giá được bằng tiền mà còn sử dụng các lợi ích tinh thần với nhiều hình thức khác nhau để đạt được mục đích hối lộ như: vị trí công tác, việc làm… Nhưng do BLHS năm 1999 chưa quy định các đối tượng này dẫn đến không xử lý được trên thực tiễn.
- Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng đặt ra vấn đề này. Theo đó, của hội lộ là những lợi ích bất chính, tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào, vô hình hoặc hữu hình, vật chất hoặc tinh thần, tiền tệ hoặc phi tiền tệ.
* Sửa đổi:
Trên cơ sở đó, BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bổ sung “lợi ích phi vật chất” vào cấu thành cơ bản của 05 tội, gồm:
Tội nhận hối lộ (Điều 354)
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358)
Tội đưa hối lộ (Điều 364)
Tội môi giới hối lộ (Điều 365)
Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366)
5. Sửa đổi cấu thành cơ bản của tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ
* BLHS năm 1999:
Điều 279. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
Điều 289. Tội đưa hối lộ
1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
* Lý do:
- Qua tổng kết thực tiễn thi hành BLHS năm 1999 cho thấy cách quy định chưa rõ ràng: đưa tiền hối lộ cho chính người có chức vụ, quyền hạn hay có thể đưa cho cả người khác mới cấu thành tội này.
- Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (tại Điều 15) trong cấu thành tội nhận hối lộ là lợi ích không chính đáng mà người thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhận được có thể dành cho chính bản thân công chức hoặc cho người khác.
* Sửa đổi:
Để bảo đảm rõ ràng và phù hợp với thực tiễn đấu tranh chống loại tội này, BLHS đã sửa đổi như sau:
Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm
Điều 364. Tội đưa hối lộ
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
6. Tăng mức định lượng về giá trị tiền, tài sản tham ô, chiếm đoạt, của hối lộ
* Lý do: mức định lượng tiền quy định trong BLHS 1999 có một số vấn đề bất cập sau:
- Không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và thực tiễn đấu trnah phòng, chống tội phạm này.
- Một số tội chưa có sự phân hóa phù hợp về giá trị tài sản giữa cá khung.
* Sửa đổi:
- Nâng giá trị tiền, tài sản từ “hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng” là căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khung 1 các Điều 354 (tội nhận hối lộ), Điều 364 (tội đưa hối lộ), Điều 365 (tội môi giới hối lộ) lên “từ hai triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng”.
- Nâng giá trị tiền, tài sản quy định tại khoản 2 các Điều 374 (tội nhận hối lộ), Điều 364 (tội đưa hối lộ), Điều 365 (tội môi giới hối lộ) “từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng” lên “từ một trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”;
- Nâng giá trị tiền, tài sản quy định tại khoản 3 các Điều 354 (tội nhận hối lộ), Điều 364 (tội đưa hối lộ), Điều 365 (tội môi giới hối lộ) từ “từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng” lên “từ năm trăm triệu đồng đến một tỉ đồng”;
- Nâng giá trị tiền, tài sản quy định tại khoản 4 các Điều 354 (tội nhận hối lộ), Điều 364 (tội đưa hối lộ), Điều 365 (tội môi giới hối lộ) từ “từ ba trăm triệu đồng trở lên” lên “từ một tỉ đồng trở lên”.
7. Bổ sung hình phạt không tước tự do với một số tội phạm khác về chức vụ
* Lý do:
- Qua tổng kết thực tiễn thi hành BLHS năm 1999 cho thấy hình phạt áp dụng đối với các tội phạm khác về chức vụ rất nghiêm khắc. Nếu với “loại tội” thuộc nhóm tội này mà chủ yếu quy định hình phạt tù, hạn chế quy định hình phạt không tước tự do cũng chưa bảo đảm tính phân hóa.
- Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu tăng tính hướng thiện trong xử lý tội phạm, tăng khả năng áp dụng các hình phạt không tước tự do.
* Sửa đổi:
- Đã bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữ đối với 03 tội: tội đưa hối lộ (khoản 1 Điều 364), tội môi giới hối lộ  (khoản 1 Điều 365), tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (khoản 1 Điều 366).
- Đã bổ sung quy định hình phạt tiền là hình phạt chính đối với 02 tội: tội đưa hối lộ (khoản 1 Điều 364) và tội môi giới hối lộ ( khoản 1 Điều 365)./.
 
 

Nguồn tin:     TS. Nguyễn Thị Thủy - Ủy viên Thường trực UBTP của Quốc hội

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

52/LLV

LỊCH LÀM VIỆC CỦA VIỆN KSND TỈNH HẬU GIANG Từ ngày 02/12/2024 đến ngày 06/12/2024

Lượt xem:336 | lượt tải:7

51/LLV

LỊCH LÀM VIỆC CỦA VIỆN KSND TỈNH HẬU GIANG Từ ngày 25 /11/2024 đến ngày 29/11/2024

Lượt xem:545 | lượt tải:10

50/LLV

LỊCH LÀM VIỆC CỦA VIỆN KSND TỈNH HẬU GIANG Từ ngày 18/11/2024 đến ngày 22/11/2024

Lượt xem:635 | lượt tải:20

49/LLV

LỊCH LÀM VIỆC CỦA VIỆN KSND TỈNH HẬU GIANG Từ ngày 11/11/2024 đến ngày 15/11/2024

Lượt xem:465 | lượt tải:19

48/LLV

Lịch làm việc VKSND tỉnh Hậu Giang từ ngày 04/11/2024 đến ngày 08/11/2024

Lượt xem:637 | lượt tải:20
PHẦN MỀM LIÊN KẾT
THÔNG TIN TRUY CẬP
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay5,172
  • Tháng hiện tại16,334
  • Tổng lượt truy cập9,711,653

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây