VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

https://vks.haugiang.gov.vn


Những trăn trở từ một vụ án trải qua 6 lần xét xử

     Ngày 23/6/2020, VKSND tỉnh phối hợp với TAND tỉnh Hậu Giang mở phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án Kinh doanh thương mại phúc thẩm tranh chấp “Hợp đồng thế chấp tài sản và hợp đồng tín dụng ” giữa nguyên đơn là Ngân hàng B, bị đơn Công ty Cổ phần sinh học T. Các tổ chức, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công ty trách nhiệm hữu hạn N, Tập đoàn Công nghiệp cao su C, ông N.T.V và bà L.T.T.T.
     Về nội dung vụ án: Ngày 25/3/2004, Công ty Cổ phần sinh học T có ký hợp đồng với Ngân hàng B để vay số tiền 5.600.000.000đ, thời hạn vay 60 tháng, lãi suất 0,85%/tháng. Mục đích vay là để đầu tư thực hiện dự án sản xuất, chế biến rau quả xuất khẩu. Để bảo đảm trả nợ, Công ty Cổ phần sinh học T có thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay là nhà máy, xưởng sản xuất, chế biến rau quả xuất khẩu cho phía ngân hàng. Công ty đã chỉ trả được khoản nợ gốc cho ngân hàng là 250.000.000đ. Đến ngày 09/4/2007, Công ty Cổ phần sinh học T ký kết hợp đồng kinh tế chuyển nhượng toàn bộ dự án nhà máy rau quả xuất khẩu cho Công ty trách nhiệm hữu hạn N. Sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty trách nhiệm hữu hạn N tiếp tục xây dựng thêm một số hạng mục công trình và thế chấp hết tài sản này và 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho Tập đoàn Công nghiệp cao su C để vay số tiền 30.500.000.000 đ (tính đến ngày 24/4/2011). Do Công ty Cổ phần sinh học T không trả nợ vay, nên Ngân hàng B khởi kiện yêu cầu Công ty trả vốn và lãi vay, đồng thời yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tập đoàn Công nghiệp cao su C cũng khởi kiện yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn N trả vốn và lãi đã vay và cũng yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Vụ án được thụ lý thành 02 vụ án khác nhau. Sau đó Tòa án cấp sơ thẩm quyết định nhập 02 vụ án để giải quyết.
65
     Tòa tuyên án
     Có thể nói tranh chấp phát sinh ban đầu là giữa Ngân hàng B, Công ty Cổ phần sinh học T và Công ty trách nhiệm hữu hạn N. Vụ án đã được TAND thành phố Vị Thanh thụ lý giải quyết từ năm 2007. Sau 03 lần bản án sơ thẩm bị TAND tỉnh Hậu Giang hủy do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và nội dung giải quyết vụ án, cho đến ngày 19/10/2017 phát sinh thêm tranh chấp với Tập đoàn Công nghiệp cao su C. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: Xét xử vắng mặt đại diện của Công ty Cổ phần sinh học T trong khi họ đã chết trước đó, thành phần Hội đồng xét xử không đúng quy định, vi phạm về thủ tục hòa giải, biên bản phiên tòa không phản ánh đúng sự thật khách quan của diễn biến phiên tòa, vi phạm về thủ tục niêm yết các văn bản tố tụng. Vì vậy, VKSND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm số 66/QĐKNPT-VKS-KDTM ngày 08/8/2019. Tại phiên tòa xét xử ngày 23/6/2020, Kiểm sát viên đã chủ động kiểm sát chặt chẽ việc chấp hành các thủ tục tố tụng của Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng, xử lý tốt các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Quá trình tham gia xét xử, Kiểm sát viên đã theo dõi, ghi chép đầy đủ diễn biến của phiên tòa, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án của Viện kiểm sát rõ ràng, rành mạch, đúng pháp luật, thể hiện được vai trò của Viện kiểm sát tại phiên tòa xét xử vụ án Kinh doanh thương mại. Kết quả, Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND thành phố Vị Thanh, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thẩm quyền.
     Sau phiên tòa, VKSND tỉnh đã tổ chức họp rút kinh nghiệm cho toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên phòng 9. Các ý kiến góp ý tập trung vào việc nghiên cứu hồ sơ của Kiểm sát viên, sự chuẩn bị tham gia phiên tòa, tác phong của Kiểm sát viên. Qua đó đánh giá được những ưu điểm của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa cũng như những tồn tại cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua phiên tòa này, vẫn còn đó sự trăn trở và ngao ngán của các đương sự, bởi lẽ vụ án đã được thụ lý giải quyết từ năm 2007, cho đến nay đã trải qua 04 lần hủy án với thời gian là 13 năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, đây cũng là điều cần suy ngẫm của cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật./.

 

Nguồn tin: Đặng Kim Quang, Phó trưởng Phòng 9

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây