Nhận thấy, trong quá trình giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, hai cấp xét xử của TAND tỉnh Hậu Giang đã có sai sót trong việc xác định quan hệ pháp luật, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị đơn nên VKSND tỉnh Hậu Giang đã báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Nội dung vụ án thể hiện: Vào năm 2014, giữa ông L.M.T và bà V.T.N.D có quen biết và nảy sinh tình cảm nam nữ với nhau. Trong thời gian quen biết, ông T thấy bà D có hoàn cảnh khó khăn nên ông T có hai lần chuyển tiền vào tài khoản của bà D với tổng số tiền là 1.700.000.000 đồng. Cụ thể: Lần thứ nhất ông T chuyển vào tài khoản của bà D là 200.000.000 đồng vào ngày 13/10/2015; lần thứ hai vào ngày 04/4/2018 ông T chuyển vào tài khoản của bà D là 1.500.000.000 đồng. Đến ngày 30/9/2019 ông T khởi kiện yêu cầu bà D phải trả cho ông tổng số tiền 1.700.000.000 đồng vì ông cho rằng số tiền trên là bà D vay của ông.
Quá trình tố tụng bà D không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông T. Bà D thừa nhận giữa bà và ông T có mối quan hệ tình cảm nam nữ từ năm 2014. Đến năm 2015 ông T biết bà có hoàn cảnh khó khăn nên có chuyển cho bà số tiền 200.000.000 đồng để bà lo cho gia đình. Ngoài ra, quá trình chung sống cùng ông T, ông T có hứa với bà nếu bà sinh cho ông T đứa con trai ông T sẽ cho bà 5.000.000.000 đồng; nếu bà sinh con gái sẽ cho bà 2.000.000.000 đồng. Đến tháng 4/2017 bà sinh 01 người con chung với ông T là con trai và đặt tên là L.A.K. Do đó, đến tháng 4/2018 ông Tuấn chuyển cho bà số tiền 1.500.000.000 đồng để lo cho mẹ con bà như hai bên đã thỏa thuận trên. Do đó, bà xác định tổng số tiền 1.700.000.000 đồng mà ông T chuyển cho bà là tiền ông T cho bà nên bà không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông T.
Tại Bản án sơ thẩm số 199/2020/DS-ST ngày 07/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp và Bản án phúc thẩm số 75/2021/DS-PT ngày 05/5/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T buộc bà D có nghĩa vụ trả cho ông T số tiền là 1.700.000.000 đồng.
Quá trình kiểm sát bản án, VKSND tỉnh Hậu Giang cho rằng: Tiền là tài sản có giá trị thuộc quyền sở hữu của ông T, khi ông T chuyển tiền vào tài khoản cho bà D tức là ông đã chuyển dịch quyền sở hữa tài sản của mình cho bà D. Ông T cho rằng mình chuyển tiền cho bà D là theo sự thỏa thuận của hai người về việc vay tài sản nhưng bà D không thừa nhận và ông cũng không cung cấp được chứng cứ nào để chứng minh. Ông T cho bà D vay tiền nhưng không có bất kỳ điều kiện nào về thực hiện nghĩa vụ từ phía người vay tiền, do vậy không phù hợp với quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 về “Hợp đồng vay tài sản”. Việc ông T chuyển 2 lần với tổng số tiền 1.700.000.000 đồng vào tài khoản của bà D là sự chuyển dịch tài sản tự nguyện của ông và giao dịch này phù hợp với quy định tại Điều 457 Bộ luật dân sự 2015 về "Hợp đồng tặng cho tài sản". Với phân tích trên thì việc TAND cấp sơ thẩm và TAND cấp phúc thẩm xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” là không đúng quy định.
Bên cạnh đó, việc Tòa án áp dụng các Điều 463, Điều 466; Điều 468 và Điều 469 Bộ luật dân sự năm 2015chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà D trả nợ vay cho ông T là không có cơ sở. Bởi lẻ, cả ông T và bà D đều thừa nhận thống nhất giai đoạn mà ông T chuyển tiền cho bà D là trong thời gian hai người có quan hệ tình cảm nam nữ với nhau. Hơn nữa giữa ông T và bà D còn có 01 người con chung. Bà D cho rằng việc ông T chuyển tiền cho bà là vì thương bà có hoàn cảnh khó khăn và vì bà đã sinh cho ông một người con trai nên ông chuyển tiền để lo chi phí sinh hoạt của hai mẹ con bà D là có cơ sở. Mặc dù ông T và bà D có quan hệ tình cảm trái quy định của pháp luật vì trong thời gian trên ông T vẫn còn quan hệ hôn nhân hợp pháp cùng bà T.Y.X. Nhưng ông T chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng để cho bà D một cách tự nguyện. Đồng thời các chứng cứ chuyển tiền ông T cung cấp đều không thể hiện nội dung “cho vay” như ông T trình bày. Do đó, việc cả Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều căn cứ Khoản 1 Điều 462 Bộ luật dân sự năm 2015 để xác định điều kiện tặng cho của ông T và bà D vi phạm điều cấm để tuyên buộc bà D phải trả lại cho ông T với số tiền 1.700.000.000 đồng mà ông T đã tặng cho là không phù hợp và không bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của bà D và cháu K.
Vì vậy, để đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; VKSND tỉnh Hậu Giang đã báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án sơ thẩm số 199/2020/DS-ST ngày 07/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp và Bản án phúc thẩm số 75/2021/DS-PT ngày 05/5/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang./.