Qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án Dân sự , Hôn nhân và gia đình tại địa bàn huyện Phụng Hiệp nhận thấy số vụ án về Hôn nhân và gia đình tại đơn vị ngày một tăng, cụ thể: Năm 2018 thụ lý mới 469 vụ; năm 2019 thụ lý mới 544 vụ; năm 2020 thụ lý mới 610 vụ... Chúng ta có thể thấy, khi gia đình có bố mẹ ly hôn thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách và tương lai sau này của con cái; hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội, bởi sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của cha hoặc mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.
Thực tế trong thời gian qua, có một số trường hợp Thẩm phán chỉ xem xét ý kiến của con chung trong vụ án hôn nhân thông qua các bản tự khai, và do không tiến hành lấy lời khai nên Thẩm phán không chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát tham gia phiên tòa mà tự xét xử, bởi Thẩm phán cho rằng việc lấy ý kiến không nhất thiết là phải trực tiếp ghi lời khai, quan điểm trên là chưa đảm bảo tính khách quan theo nguyên tắc của BLTTDS. Bởi các bản tự khai này có thể được viết tại Tòa án hoặc viết sẵn tại nhà, Thẩm phán không thể biết được có sự chi phối của bố (mẹ) và người thân trong gia đình hay không? có làm ảnh hưởng đến ý chí cũng như nguyện vọng của bản thân người con, làm cho việc giải quyết vụ án không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp về mọi mặt của con hay không? dẫn đến sai sót khi quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng. Bản thân tôi cho rằng Tòa án phải chuyển hồ sơ để Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, kiểm sát xét xử đối với các vụ án hôn nhân gia đình có tranh chấp nuôi con chung trên 07 tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình bởi các lý do sau:
Thứ nhất, tại đoạn 2 khoản 3 Điều 208 BLTTDS quy định: “Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên”. Như vậy, BLTTDS đã quy định cụ thể việc “Thẩm phán phải lấy ý kiến” có thể hiểu là Thẩm phán phải “trực tiếp lấy lời khai” để có thể chắc chắn nguyện vọng của con chưa thành niên mới bảo đảm được tính chất khách quan của vụ án (phương pháp lấy ý kiến phải bảo đảm thân thiện với trẻ em).
Thứ hai, ngoài việc lấy ý kiến của con chung từ 07 tuổi trở lên thì Luật còn quy định Thẩm phán phải thu thập tài liệu, chứng cứ để phát sinh nguyên nhân tranh chấp theo quy định tại đoạn 1 khoản 3 Điều 208 BLTTDS: “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án”.
Căn cứ vào quy định trên thì Tòa án cần thiết phải tiến hành hành thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định “nguyên nhân” của việc ly hôn mặc dù các đương sự thuận tình ly hôn và thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Để hướng dẫn quy định trên thì tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS và khoản 24 Mục IV giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 “về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ” của Tòa án nhân dân tối cao cũng đã quy định: “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên, việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp là bắt buộc”.
Quy định này thể hiện tính chất đặc thù của vụ án Hôn nhân và gia đình, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con. Tòa án phải xác định được nguyên nhân mâu thuẫn thì mới có thể hòa giải, hàn gắn, động viên các đương sự đoàn tụ, hạn chế phần nào đó việc ly hôn giữa các cặp vợ chồng. Đối với quy định về việc “Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án” thì tại khoản 25 Mục IV giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 “về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ” của Tòa án nhân dân tối cao cũng đã hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, cụ thể:
- Khoản 3 Điều 3 của Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ về công tác gia đình quy định: “Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương”.
- Các khoản 11, khoản 12 Điều 8 của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đó các cơ quan chuyên gồm: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
- Các khoản 5, khoản 6 Điều 7 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Do đó , khi giải quyết vụ án Hôn nhân và gia đình, Thẩm phán, Thẩm tra viên có thể thu thập tài liệu, chứng cứ và tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương theo quy định tại các Nghị định nêu trên.
Từ các phân tích trên, đối chiếu với Điều 21 BLTTDS, có thể khẳng định là đối với tất cả các vụ án hôn nhân và gia đình có con chung trên 07 tuổi, Tòa án phải tiến hành thu thập chứng cứ và chuyển hồ sơ để Viện kiểm sát nghiên cứu tham gia phiên tòa.