Thời gian gần đây khi thị trường về giá đất ngày càng biến động, nhu cầu sử dụng đất ngày càng gia tăng, đặc biệt là đất ở, hiện tượng “đất chật, người đông” và những lợi ích kinh tế từ đất đai ngày càng lớn thì những tranh chấp liên quan đến đất đai diễn biến càng phức tạp. Hiện nay, Luật đất đai năm 2013 là căn cứ pháp lý quan trọng để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến tranh chấp đất đai và đã dần đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm sát việc Tòa án đưa ra xét xử vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai phần lớn vụ án phải gia hạn thời hạn giải quyết, bởi thực tế còn xảy ra một số bất cập mà chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, thống nhất nhận thức để áp dụng chung, điển hình như:
Thứ nhất, khó khăn trong việc đo đạc hiện trạng đất tranh chấp và kiểm kê tài sản trên đất. Trong mối quan hệ về dân sự thì yếu tố về sự tự nguyện chấp hành rất quan trọng ảnh hưởng rất lớn tiến độ giải quyết vụ án. Nhiều vụ án phát sinh tranh chấp, khi Tòa án cùng cơ quan chuyên môn, có sự tham gia của kiểm sát viên đến hiện trạng đất để thẩm định, nhưng khi đến vị trí đất tranh chấp thì giữa nguyên đơn và bị đơn vẫn không thống nhất được vị trí tranh chấp, cự cải, xô xát dẫn đến đoàn thẩm định phải làm công tác tư tưởng ổn định cho các đương sự mới có thể tiến hành đo đạc, thẩm định được. Nhiều trường hợp bị đơn cố tình không có mặt, viện lý do để vắng mặt dù đã được Tòa án thông báo từ trước hoặc cố tình khóa cổng, làm rào chắn nhằm không cho cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, khó khăn trong việc ký giáp ranh tứ cận, dù được Đoàn thẩm định giải thích nhưng các hộ tứ cận của phần đất tranh chấp vẫn còn tâm lý ngại va chạm, ngại ký tên vì họ sợ phải “dính dáng” đến pháp luật, e ngại chữ ký của họ thì phải chịu trách nhiệm nên họ từ chối ký tên. Nhiều trường hợp phần đất giáp ranh nhưng thực tế họ không sinh sống tại địa phương nên việc ký giáp ranh để thực hiện các thủ tục tiếp theo nhiều lúc không dễ dàng.
Thứ ba, việc lưu trữ, quản lý cập nhật hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ nên khi Tòa án có yêu cầu trích lục việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các đương sự thì có vụ việc không có hồ sơ để cung cấp.
Thứ tư, từ năm 2013 nước ta bắt đầu tiến hành đo đạc diện tích đất chính quy, trước đó nhiều trường hợp người dân chỉ thực hiện việc “úp bộ”, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất thông qua diện tích trước đó đã kê khai, do đó diện tích đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ có chênh lệch so với thực tế, dẫn đến việc tranh chấp cũng gặp khó khăn để tìm ra cơ sở, tài liệu để giải quyết vụ việc.
Với những khó khăn trong thực tiễn nêu trên, thời gian tới, bản thân tôi mong cơ quan có thẩm quyền cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết để việc giải quyết vụ án tranh chấp về đất đai được thuận lợi hơn, đảm bảo được quyền lợi chính đáng của đương sự.