Thời gian qua, tình hình tội phạm cố ý gây thương tích theo kiểu băng nhóm thanh toán nhau trong thanh, thiếu niên xảy ra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng gia tăng, tính chất hết sức phức tạp và liều lĩnh . Điều này đã tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội cũng như tạo tâm lý bất an của người dân, đe dọa nghiêm trọng đến trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. Phải chăng, những người trẻ đang trở nên hung hăng, lựa chọn bạo lực để giải quyết mâu thuẫn?
Dấu hiệu của những nguy cơ - Hồi chuông cảnh báo cho gia đình và toàn xã hội
Trong năm 2022, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 05 vụ với 47 bị can về tội cố ý gây thương tích với hình thức băng nhóm thanh toán lẫn nhau (có 17 bị can là người dưới 18 tuổi, chiếm 36,2% trên tổng số bị can phạm tội cố ý gây thương tích với hình thức băng nhóm). Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 01 vụ với 04 bị can về tội giết người (có 01 bị can là người dưới 18 tuổi) và 07 bị can về tội gây rối trật tự công cộng (có 03 bị can là người dưới 18 tuổi). Có thể thấy, các vụ án xảy ra không những có số lượng bị can lớn, mà người chưa thành niên phạm tội cũng chiếm tỷ lệ cao.
Điển hình một số vụ án như:
Vụ Cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn thành phố Vị Thanh có 08/10 bị can là người chưa thành niên: Khoảng 21 giờ 00 phút ngày 18/8/2022, tại khu dân cư Cát Tường giai đoạn 1 thuộc khu vực 3, phường V, thành phố Vị Thanh, do có mâu thuẫn từ trước, nhóm 10 đối tượng (trong đó có 08 đối tượng chưa thành niên) dùng tay, ghế, dao gây thương tích cho Nguyễn Việt H 18% và Nguyễn Trọng K 06%. Cơ quan CSĐT Công an thành phố Vị Thanh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhóm 10 đối tượng nói trên về tội cố ý gây thương tích quy định tại khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Vụ Cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn thành phố Ngã Bảy có 08/10 bị can là người chưa thành niên: Vào khoảng 19 giờ 00, ngày 05/12/2021, do xảy ra mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook, nhóm 10 đối tượng do Nguyễn Thành Đ tập hợp lực lượng và đem theo dao tự chế đến điểm hẹn tại cầu Bưng Cây Sắn chờ nhóm của Nguyễn Bình N, Võ Hoài L, Phạm Nhĩ K. Các đối tượng trực tiếp dùng dao chém Võ Hoài L gây thương tích tỷ lệ 23% và Nguyễn Bình N gây thương tích tỷ lệ 6%. Cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Ngã Bảy đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử 10 bị cáo trên về tội cố ý gây thương tích quy định tại khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Vụ Giết người và gây rối trật tự công cộng có 04/11 bị can là người chưa thành niên: Khoảng hơn 23 giờ ngày 03/5/2022, nhóm 05 đối tượng do Nguyễn Hoàng D cầm đầu, hẹn gặp đánh nhau với nhóm 07 đối tượng do Trần Minh T cầm đầu để giải quyết mâu thuẫn tại vòng xoay thuộc khu vực 3, phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Hậu quả dẫn đến Huỳnh Văn T tử vong tại chỗ. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hậu Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 04 bị can trong nhóm Nguyễn Hoàng D (có 01 đối tượng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đã thông báo UBND xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính) về tội giết người quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); 07 bị can trong nhóm Trần Minh T về tội gây rối trật tự công cộng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Từ những vụ án trên nhận thấy hành vi giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, đánh nhau của các nhóm đối tượng không những gây rối trật tự công cộng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người. Nói cách khác, đôi khi xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, các đối tượng muốn giải quyết bằng bạo lực nhằm dằn mặt đối phương, thể hiện sức mạnh của bản thân nhưng trong phút giây nóng giận, “càng đánh càng hăng” dẫn đến hành vi giết người. Đây là hồi chuông cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của các vụ án cố ý gây thương tích với hình thức băng nhóm thanh toán lẫn nhau với sự tham gia của một bộ phận thanh thiếu niên, phản ánh sự thiếu kiềm chế, lối hành xử bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn và xu hướng trẻ hóa của một nhóm tội phạm.
Nguyên nhân tiềm ẩn tội phạm - Trách nhiệm thuộc về ai?
Ảnh minh họa (sưu tầm). Nguồn: Internet.
Thực tế cho thấy, các băng, nhóm tội phạm hoặc nhóm có nguy cơ phạm tội thường là những nhóm thanh, thiếu niên nghỉ học, không có việc làm, tụ tập, ăn chơi lêu lổng, một số từng có tiền án, tiền sự… thực hiện hành vi manh động, liều lĩnh, nguy hiểm, có tính chất côn đồ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó đáng lưu ý như:
- Đặc điểm tâm sinh lý: Độ tuổi thanh, thiếu niên là độ tuổi đang phát triển về cả thể chất lẫn tâm sinh lý, tuy nhiên, sự phát triển chưa đầy đủ, nhất là về nhân cách và đạo đức. Những bất ổn, thậm chí nổi loạn đi kèm với tâm lý muốn chứng minh “cái tôi”, “cái vị thế” của bản thân khiến trẻ vị thành niên dễ thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự kiềm chế dẫn đến phạm tội. Nguyên nhân dẫn phạm tội trong độ tuổi này thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong đời sống, xảy ra lúc nóng giận, thiếu bình tĩnh, không làm chủ được bản thân.
- Môi trường sống thiếu lành mạnh, dễ bị lôi kéo: Những nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân cho thấy, tội phạm thanh thiếu niên gia tăng có nguyên nhân gốc rễ từ hệ thống giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội. Thanh, thiếu niên phạm tội thường nhìn thấy cảnh cha mẹ cãi vã, đánh nhau, một số đối tượng bị tổn thương tâm lý do cha mẹ ly hôn, bị bạo hành, thiếu thốn tình cảm từ gia đình hoặc gia đình có người phạm tội. Từ đó, các đối tượng phát triển theo chiều hướng lệch lạc, bất cần và dễ bị lôi kéo. Mặt khác, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, giới trẻ bị bao vây và dễ dàng tiếp cận với những nội dung như phim ảnh, trò chơi mang tính bạo lực, hình thành nên những đứa trẻ dễ nổi nóng, hành động theo bản năng và thường xuyên sử dụng bạo lực. Đồng thời, thông qua mạng xã hội, thanh, thiếu niên dễ dàng kết bạn và tìm được những người “chung chí hướng”, thành lập các băng nhóm, kết nạp thành viên, mở rộng hoạt động.
- Sự quan tâm của nhà trường, các tổ chức, đoàn thể chưa được chú trọng: Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích: So với dạy chữ, việc “dạy người” của chúng ta đang có phần bị xem nhẹ, hiện nay tại các trường học mới chú trọng vào việc cung cấp kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy cho học sinh kỹ năng sống. Nói cách khác, sự quan tâm, giáo dục chưa được thực hiện ngay từ đầu, chỉ đến khi phát hiện tội phạm, vi phạm mới đề ra giải pháp khắc phục những bất cập trong trách nhiệm quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên. Thanh, thiếu niên bỏ học thường là những người dễ sa ngã, nhận được “quan tâm” dụ dỗ, lôi kéo của các nhóm đối tượng xấu.
- Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa cao: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường và xã hội còn mang tính hình thức, nhất là những vấn đề về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường. Công tác quản lý, giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên còn nhiều bất cập, hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người chưa thành niên, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên với lối sống thực dụng, ích kỷ, coi thường pháp luật...
- Công tác xét xử, thi hành án hình sự và áp dụng các biện pháp hành chính chưa hiệu quả: Chính sách pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội hướng đến mục đích cải tạo, giáo dục, tạo điều kiện để người dưới 18 tuổi có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Tuy nhiên, thực tế hiện nay môi trường tiếp xúc với nhiều đối tượng cộm cán, có “số má” trong các trại cải tạo, trại tạm giam đôi khi khiến các em bị ảnh hưởng. Các em này khi trở về với xã hội thường thành lập các băng nhóm tội phạm hoặc có nguy cơ phạm tội. Vấn đề này cần phải nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan để tìm ra những nguyên nhân và có những giải pháp khắc phục.
Giải pháp phòng ngừa - Vai trò của toàn xã hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Thanh, thiếu niên là thế hệ trẻ có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển đất nước. Do đó việc quản lý, giáo dục, phòng ngừa thanh thiếu niên phạm tội là một việc khó khăn, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực và đồng bộ của nhiều ban, ngành cũng như của toàn xã hội.
Để thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh làm tan rã hoạt động của tội phạm băng nhóm, phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích trong thanh, thiếu niên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang đề ra một số giải pháp như:
- Nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường, tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương: Gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý giáo dục, tạo ra sân chơi lành mạnh và thật sự trở thành những chỗ dựa vững chắc cho thanh, thiếu niên. Gia đình phải thường xuyên quan tâm, có biện pháp giáo dục phù hợp, tạo sự gần gũi, chia sẻ; kiểm soát chặt chẽ các mối quan hệ xã hội và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái. Nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý khoa học đối với học sinh; nâng cao trách nhiệm trong việc vận động, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ học; tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục đảm bảo vừa tiếp thu kiến thức vừa giáo dục pháp luật và kỹ năng sống để học sinh phát triển toàn diện, giảm nguy cơ trở thành tội phạm. Các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt, hỗ trợ, giúp đỡ thanh, thiếu niên khi bị bạo lực, bị xâm hại đến quyền, ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ.
- Giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thanh, thiếu niên: Đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm sẽ nâng cao đời sống vật chất tinh thần, góp phần tạo ra một môi trường an toàn, lành mạnh cho thanh, thiếu niên có nhiều cơ hội phát triển bản thân.
- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật: VKSND tỉnh tăng cường phối hợp với tòa án, trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh trong việc tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên, nhất là tổ chức tuyên truyền trong học đường. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi; chủ động tìm hiểu tâm lý, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi kích động, bạo lực. Thường xuyên quan tâm, kiến nghị phòng ngừa tội phạm, kêu gọi đấu tranh làm tan rã hoạt động của các băng nhóm tội phạm bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng việc sử dụng mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền các giải pháp từ phía gia đình và xã hội.
- Nâng cao chất lượng giáo dục trong các trại cải tạo, trại tạm giam: VKSND tỉnh chủ động kiểm sát việc thực hiện quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp đối với người dưới 18 tuổi. Đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tư tưởng để người dưới 18 tuổi phạm tội nhận thức được sai lầm, có cơ hội sửa chữa, phòng chống tái phạm và tạo điều kiện thuận lợi cho họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội.
- Tăng cường công tác quản lý đối tượng, các băng, nhóm thanh, thiếu niên phạm tội hoặc có biểu hiện, nguy cơ phạm tội: Kiến nghị cơ quan Công an chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động nắm tình hình hoạt động của các băng, nhóm, đối tượng, nhất là trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc tụ tập gây rối trật tự công cộng; có biện pháp kiềm chế hoạt động, làm tan rã băng nhóm ngay từ khi manh nha, không để tội phạm xảy ra. Các cơ quan tư pháp khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh khi phát hiện tội phạm; kịp thời tuyên truyền để răn đe và phòng ngừa chung.
Qua những nhận định nói trên, có thể thấy việc phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích theo kiểu băng nhóm thanh toán nhau trong thanh, thiếu niên là hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác, xâm phạm trật tự xã hội cần phải bị xử lý nghiêm minh, mang tính răn đe và phòng ngừa chung trong xã hội. Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội để góp phần mang lại một thế hệ trẻ sống lành mạnh, có kỹ năng xử lý những vấn đề xảy ra trong cuộc sống và thật sự trở thành tương lai của đất nước.