Bàn về giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao về áp dụng tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”
Thứ hai - 12/08/2019 21:45
Trong quá trình thực hiện Bộ luật hình sự đã nảy sinh những quan điểm khác nhau về việc áp dụng tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 và điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, dẫn đến việc áp dụng không thống nhất trong thực tiễn công tác.
Để khắc phục vấn đề trên, ngày 07/4/2017 Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC về một số vấn đề nghiệp vụ; trong đó tại mục 4, phần I có hướng dẫn cụ thể về áp dụng đối với chế định nói trên.
“4. Tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 được hiểu như thế nào?
Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu.
Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù;
- Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.
Tòa án chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 khi có đủ 02 yếu tố “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Nếu bị cáo phạm tội lần đầu mà không phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc ngược lại phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng lần phạm tội này không phải là phạm tội lần đầu thì không áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015) để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.”
Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung hướng dẫn giải đáp trên về tình tiết “Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, chúng tôi chưa đồng tình ở yếu tố “Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm” là phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; hướng dẫn như vậy là trái với quy định của pháp luật tại Điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015
“Điều 9. Phân loại tội phạm
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:
1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;
4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Đối chiếu với chế định trên thì để xác định hành vi phạm tội ít nghiêm trọng phải căn cứ vào 02 yếu tố: Thứ nhất, về định tính là “tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi là không lớn”. Thứ hai, về định lượng là “mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm”.
Ví dụ: Do có mâu thuẫn từ trước đó, nên vào ngày 19/7/2019, A quyết định đi đến nhà của C để đánh; trước khi đi A đã đến nhà B hỏi mượn cây dao và nói rõ mục đích là để chém C. Hậu quả, A đã dùng cây dao mượn của B chém C gây thương tích tỷ lệ 65%. Hành vi của A đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với vai trò là người thực hành và B cũng phạm tội “Cố ý gây thương tích” với vai trò là đồng phạm giúp sức theo điểm d khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có mức hình phạt từ 7 đến 14 năm tù. Nếu như trong trường hợp này C thoả mãn điều kiện mới phạm tội lần đầu và có vai trò thứ yếu trong vụ án, nhưng cũng không thể coi là phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng do không thoả mãn về mức hình phạt từ 03 năm trở xuống. Do vậy không thể áp dụng tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.
Mặt khác, để đánh giá thế nào là “có vai trò, vị trí thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm” còn tùy thuộc vào sự nhận thức chủ quan, tùy tiện của người áp dụng sẽ dẫn đến việc áp dụng không đồng nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc tùy địa phương khác nhau.
Để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất và đúng theo quy định của pháp luật trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” giữa những người tiến hành tố tụng, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; chúng tôi đề nghị đến Tòa án nhân dân tối cao sửa đổi “bỏ” nội dung hướng dẫn “Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm” tại khoản 4 mục I Văn bản giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao.
Nguồn tin: Phạm Chi Lăng – Phó Trưởng phòng 1.