Thực hiện Dân vận trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự
Thứ ba - 19/10/2021 09:57
Dân vận là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, là một đặc trưng chủ yếu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Công tác Dân vận không chỉ là vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn là phương thức thu hút nhân dân vào việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đó. Trong những hoạt động này vấn đề cốt lõi là phải quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Bên cạnh số đông cán bộ đảng viên vẫn giữ được phẩm chất cách mạng và gắn bó với nhân dân, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mang nặng bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, nạn tham ô, hối lộ vẫn còn xảy ra. Không ít đoàn thể cũng bị quan liêu hoá, hành chính hoá, không chịu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tập hợp các tầng lớp nhân dân, làm giảm sự gắn bó của nhân dân với Đảng và Nhà nước... những hiện tượng đó là tiếng chuông cảnh báo để chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác dân vận.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Trong những năm qua, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh Hậu Giang đã quan tâm, phối hợp với Đảng ủy, Lãnh đạo Viện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của VKSND tối cao về công tác dân vận, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nói riêng.
Nhận thức được hoạt động của Ngành kiểm sát là một khâu quan trọng trong quá trình tố tụng và là sự khẳng định kết quả của quá trình điều tra và tạo tiền đề đúng đắn cho quá trình xét xử. Theo tinh thần đó, Lãnh đạo và KSV chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội. Chú trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và trong suốt quá trình tố tụng. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm chủ động phối hợp xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Phấn đấu vì nền tư pháp tiến bộ, hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đã mở rộng hơn, bắt đầu từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và xuyên suốt quá trình tố tụng. Chất lượng công tác kiểm sát ngày càng được nâng cao, gắn với hoạt động điều tra và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng. Thông qua các bản cáo trạng, bản luận tộisắc béntâm phục, khẩu phục, có tác dụng xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, cũng như răn đe, phòng ngừa tội phạm. Qua đó, kipthờiphát hiện, chấn chỉnh vi phạm trong hoạt động tố tụng góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống thanh bình của nhân dân, tạo lập môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh.
Với tính chất đặc thù của Ngành, trong những năm qua đơn vị đã rất coi trọng công tác dân vận nhằm thực hiện phù hợp với thực tiễn và chức năng nhiệm vụ. Việc thực hiện phong trào “Dân vận khéo” luôn được Chi ủy chỉ đạo thực hiện gắn liền với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phong trào xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện công tác dân vận, quy chế dân chủ, tập trung vào nhiều nội dung phong phú, đa dạng như học tập, tuyên truyền phổ biến và xây dựng các văn bản thực hiện công tác dân vận trong đơn vị, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ, công khai, chống tham nhũng, lãng phí, công khai, minh bạch các khâu giải quyết công việc, giảm thiểu các hành vi thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân.
Từ đó, mỗi cán bộ, kiểm sát viên (KSV) đều ý thức được đây là một nhiệm vụ chính trị, từ đó có những hành động, việc làm thiết thực góp phần vào xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tại đơn vị một cách hiệu quả. Mỗi cá nhân đều là tấm gương tích cực tham gia và đóng góp quan trọng trong đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm, thực hiện tốt trọng trách bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; bảo vệ cuộc sống thanh bình của nhân dân, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Thông qua hoạt động kiểm sát, KSV đã kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, đề xuất Lãnh đạo Viện ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu các cơ quan khắc phục, sửa chữa; đồng thời, cũng đã chú trọng tổng hợp nguyên nhân, điều kiện phạm tội, vi phạm pháp luật để kiến nghị phòng ngừa chung. Bên cạnh đó phối hợp với cơ quan chức năng, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được lồng ghép vào quá trình thực hành quyền công tố, giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, căn cứ vào tình hình thực tiễn, cũng như nội dung từng vụ án, KSV lựa chọn lồng ghép nội dung pháp luật, biện pháp đấu tranh, chống vi phạm, tội phạm và giải pháp phòng ngừa tội phạm; đặc biệt là giải pháp phòng ngừa các loại tội phạm phổ biến như: trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ma tuý, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khoẻ của con người... vào quá trình tranh luận tại phiên tòa. Đặc biệt, với những vụ án hình sự xác định là án điểm được đưa ra điều tra, truy tố, xét xử nhanh nhằm mục đích phục vụ nhiệm vụ công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm, tội phạm chỉ đạo KSV khi chuẩn bị bản cáo trạng và bản luận tội, KSV đều phân tích rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm như “một lời cảnh tỉnh” cho tất cả mọi người về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, cách ứng xử của mỗi công dân trước pháp luật và trách nhiệm của xã hội, của cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường... trong công tác quản lý, giáo dục con, em mình; góp phần tăng cường hiểu biết pháp luật, ứng xử theo pháp luật trong đời sống, sinh hoạt.
Bên cạnh đó, không chỉ tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới quần chúng nhân dân, cán bộ, KSV còn tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Tích cực, chủ động hưởng ứng các chương trình hỗ trợ nhân đạo, quỹ tấm lòng vàng, thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, Tết, tạo điều kiện tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ. Vận động cán bộ, KSV, tích cực đóng góp hỗ trợ giúp đỡ cho đồng nghiệp khi có khó khăn, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, hưởng ứng ngày vì người nghèo, chung tay đóng góp vào quỹ phòng chống Covid-19, chương trình “Sóng và máy tính cho em” ...
Với những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, đã góp phần củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước nói chung, các cơ quan tư pháp nói riêng; tạo dựng được hình ảnh đẹp của người cán bộ tư pháp trong sự nghiệp bảo vệ công lý, làm cho nhân dân yêu mến, tin tưởng, từ đó đã cung cấp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật nhiều tố giác, tin báo về tội phạm có giá trị; tham gia, tạo mọi điều kiện giúp đỡ các cơ quan tư pháp trong công cuộc đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện để phát triển nền kinh tế tỉnh nhà. Tập thể cán bộ, KSV VKS tỉnh Hậu Giang nói chung và tập thể cán bộ KSV thực hiện công tác THQCT, kiểm sát giải quyết án hình sự nói riêng luôn thấm nhuần bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”./.
Tác giả bài viết: Trần Khánh Linh – Kiểm tra viên Phòng 7, VKSND tỉnh Hậu Giang.