Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát
để xây dựng ngành Kiểm sát Hậu Giang trong sạch vững mạnh,
đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Đ/c Trần Quang Khải
Tỉnh uỷ viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, cả cuộc đời Người đều phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc là “Giành độc lập dân tộc để tiến lên xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; một chế độ dân là chủ và dân làm chủ, xây dựng một Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Năm 1960, sau khi nghe Lãnh đạo VKSND tối cao báo cáo và cho ý kiến về dự thảo Luật tổ chức VKSND, Bác đã căn dặn các đồng chí Lãnh đạo của Ngành lúc đó cần chú trọng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ Nhân dân được giữ vững; vì đây là trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho VKSND. Theo Bác, là cơ quan đi kiểm tra và giám sát việc chấp hành pháp luật của người khác, Ngành KSND hơn ai hết phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật, cũng vì vậy cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Trải qua gần 58 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên của ngành KSND đã học tập và làm theo lời dạy của Bác, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; vừa công tác, vừa học tập, rèn luyện; dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật xã hội chủ nghĩa, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Là thế hệ đi sau, chúng tôi càng tự hào về những truyền thống vẻ vang của Ngành mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn về việc học tập và làm theo lời dạy của Bác “Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”; “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đặc biệt lần đầu tiên, Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định khi bổ nhiệm vào các ngạch Kiểm sát viên phải tuyên thệ là không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, đây là “kim chỉ nam” để từng Kiểm sát viên phải tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu suốt đời; đồng thời cũng là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa là yêu cầu tất yếu để xây dựng ngành KSND trong sạch, vững mạnh trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp hiện nay.
- Thứ nhất, nói về sự “công minh” của Kiểm sát viên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình, theo đó Kiểm sát viên phải phụng sự việc công, bảo vệ lợi ích chung một cách thông minh, sáng tạo và có hiệu quả; Kiểm sát viên khi xem xét vụ việc phải trên cơ sở những sự kiện đã được thẩm tra, xác minh; căn cứ vào chính sách, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước để phân định rõ đúng, sai, cân nhắc mọi mặt để có những quyết định chính xác. Tuyệt đối không vì tình riêng, lợi ích riêng hoặc chịu sự tác động tiêu cực trong xã hội mà áp dụng pháp luật một cách sai lệch. Công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị; hoạt động kiểm sát phải gắn với yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong từng thời gian; phải kết hợp pháp chế thống nhất với yêu cầu chính trị ở địa phương. Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phải quan tâm đến hệ quả về chính trị xã hội của tác động kiểm sát. Điều này đòi hỏi Kiểm sát viên phải thường xuyên nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt, trước hết là trình độ nhận thức về chính trị, sự nhạy cảm trước những yêu cầu của cuộc sống, do cuộc sống đặt ra.
- Thứ hai, về “chính trực” của Kiểm sát viên thể hiện qua hoạt động kiểm sát, đó là sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật một cách kiên quyết và triệt để; giữ vững nguyên tắc theo quy định của pháp luật. Kiểm sát viên phải đấu tranh không khoan nhượng với mọi hình thức biểu hiện của sự bao che cho kẻ phạm tội, của sự lẫn tránh trách nhiệm trước pháp luật; mềm dẻo trong phương pháp, kiên định trên nguyên tắc, tỏ rõ dũng khí trong đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.
- Thứ ba, về tính “khách quan” trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm sát viên được hiểu là hoạt động của Kiểm sát viên phải xuất phát từ thực tiễn khách quan, từ những yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong từng thời điểm lịch sử, cũng như trong việc xử lý đối với các vụ, việc cụ thể, ở đây có mối quan hệ giữa chủ thể với khách thể. Đối tượng của công tác thực hành quyền công tố là các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của VKSND để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của VKSND đạt kết quả ở mức độ nào; chất lượng, hiệu quả của Kiểm sát viên cao hay thấp là tuỳ thuộc ở chỗ có hiểu rõ tính chất và đặc điểm của từng loại tội phạm, hiểu rõ quy luật vận động của tội phạm và sự tồn tại của nó trong những điều kiện lịch sử cụ thể về chính trị, kinh tế, xã hội; từ đó xác định trách nhiệm của Kiểm sát viên, không chỉ giải quyết đúng đắn đối với từng vụ án, mà thông qua đó, tổng hợp từng loại tội phạm cùng với những nguyên nhân, điều kiện phát sinh. Thông qua từng vụ án, Kiểm sát viên phải tham mưu với Lãnh đạo viện kiến nghị, đề xuất cấp uỷ Đảng, chính quyền có biện pháp phòng ngừa tội phạm (về hành chính, kinh tế, pháp luật, tuyên truyền,…) một cách đồng bộ, nhằm khắc phục tình trạng tiêu cực trong đời sống xã hội.
- Thứ tư, về sự “thận trọng”, đòi hỏi Kiểm sát viên phải có sự “cẩn trọng” trong việc giải quyết các mối quan hệ khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, là xuất phát từ chính chất gay ro, phức tạp, quyết liệt của công tác đấu tranh chống tội phạm và vị trí pháp lý của Kiểm sát viên trong cuộc đấu tranh đó.
Kiểm sát viên khi thực thi công vụ, phải luôn luôn soi mình trong pháp luật; mọi hành vi pháp lý của Kiểm sát viên đều phải xuất phát từ luật và thực hiện trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Luôn khắc ghi là khi sử dụng quyền lực của pháp luật để phát hiện và xử lý tội phạm phải gắn liền với nghĩa vụ bảo vệ quyền tự do dân chủ và các lợi ích hợp pháp của công dân; đề cao trách nhiệm trước dân, trước Đảng.
- Thứ năm, sự “khiêm tốn” của Kiểm sát viên được thể hiện trong việc xử lý đúng đắn các mối quan hệ đa chiều, đa dạng trong công tác; không ngừng nâng cao trình độ, năng lực công tác của bản thân, đảm bảo hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo sự phân công của Viện trưởng. Trước yêu cầu cải cách tư pháp, đòi hỏi phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm sát, với những kiến thức và kinh nghiệm mà Kiểm sát viên tích luỹ được trong quá khứ, luôn tỏ ra bất cập, không đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện tại. Bởi lẽ, các loại tội phạm và đối tượng phạm tội, cùng với các hình thức, thủ đoạn phạm tội luôn vận động, biến đổi theo với sự phát triển về kinh tế, xã hội của đất nước và trình độ tổ chức bộ máy quản lý của Nhà nước.
Pháp luật quy định, khi thực hiện chức năng nhiệm vụ, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND. Đều này, không có nghĩa là Kiểm sát viên hoạt động một cách biệt lập, trái lại phải biết tranh thủ sự giúp đỡ của đồng nghiệp, sự hợp tác của các ngành hữu quan. Qua đó, kịp thời bổ sung những thiếu hụt về mặt kiến thức, tiếp thu cách tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề trong các mối quan hệ đa dạng, phức tạp của sự vật trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, làm tiền đề cho nhau. Kết quả giải quyết một vụ án là kết quả chung của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó mỗi cơ quan có một vị trí, chức năng riêng của mình.
Trách nhiệm của VKSND là bảo đảm toàn bộ hoạt động tố tụng, cũng như trong từng giai đoạn tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội, pháp nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, không để lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội, không làm oan người vô tội. Để làm tròn trách nhiệm của mình, Kiểm sát viên cần nắm vững nguyên tắc trong quan hệ phối hợp giữa VKS với các cơ quan, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm thực hiện đúng đắn phương châm vừa giám sát, vừa hỗ trợ, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, cùng mục đích chung là phát hiện, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Thấm nhuần lời Bác dạy, từ khi thành lập đến nay, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, xây dựng nhiều khâu công tác đột phá để triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực công tác chuyên môn nghiệp vụ; công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành. Cán bộ, Kiểm sát viên VKS hai cấp đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành trọng trách mà Ðảng và Nhân dân giao phó, góp phần thiết thực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà trong những năm qua. Với những kết quả đạt được, nhiều tập thể và cá nhân được nêu gương điển hình tiên tiến, vinh dự được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen; nhiều cán bộ, Kiểm sát viên đã trở thành tấm gương sáng cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp để thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Chúng ta phấn khởi, tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Càng tự hào, càng phấn khởi bao nhiêu, chúng ta càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Thời gian tới để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, toàn ngành Kiểm sát Hậu Giang phải nỗ lực nhiều hơn nữa, phát huy những thành tích đã đạt được, triệt để khắc phục những khuyết điểm, tồn tại. Tích cực triển khai thực thi Hiến pháp, Luật tổ chức VKSND năm 2014 và các đạo luật về tư pháp mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2017; kiên quyết tấn công tội phạm, đồng thời tôn trọng bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Đảng, xây dựng Ngành. Kiện toàn bộ máy tin gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có kiến thức pháp luật và trình độ chuyên môn vững chắc, có trách nhiệm và bản lĩnh bảo vệ pháp luật. Đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đổi mới toàn diện, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, kế tục sự nghiệp của các thế hệ cán bộ Kiểm sát đi trước. Mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Gần 58 năm xây dựng và trưởng thành, 14 năm thành lập VKSND tỉnh Hậu Giang, dù đã có những thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKS cho phù hợp với quá trình phát triển của đất nước qua các thời kỳ nhưng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ kiểm sát vẫn còn nguyên giá trị. Trong giai đoạn hiện nay, hơn lúc nào hết, việc học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên đối với mỗi cán bộ, Kiểm sát viên VKS hai cấp. Làm được điều này chính là góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng của cải cách tư pháp là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.