Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bác nhấn mạnh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”; “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”; “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”. Ngày 8/3/1965, nhân kỷ niệm 55 năm ngày Quốc tế phụ nữ (1910-1965) Bác đã dành tặng Phụ nữ Việt Nam bức trướng thêu 8 chữ vàng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Bức trướng thêu 8 chữ vàng mà Bác Hồ tặng phụ nữ Việt Nam.
Theo đó, hai chữ “Anh hùng” là thể hiện thái độ hăng hái tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm; “Bất khuất” là chỉ sự kiên cường gan dạ không sợ kẻ thù mà vẫn xông ra chiến trường làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước; “Trung hậu” là sự quyết trí chống lại những cái tiêu cực không chỉ cho gia đình, số phận mà còn cho cả vận mệnh của đất nước; “Đảm đang” là chỉ sự chăm chỉ, khéo léo trong việc chăm chồng, chăm con, chăm gia đình có một cuộc sống hạnh phúc hay đảm đang trong việc ứng xử đấu tranh cho đất nước có một cuộc sống hạnh phúc. Vì thế, thời chiến tranh, các chị em phụ nữ không quản khó khăn, hiểm nguy, người xung phong ra tiền tuyến, người nhiệt huyết ở hậu phương. Dù ở bất kể phương diện nào, phụ nữ Việt Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những người phụ nữ đã lưu danh cho tận ngày nay: “nữ vương” đầu tiên trong lịch sử là Trưng Trắc, Trưng Nhị, chiến sĩ Nguyễn Thị Minh Khai, nữ anh hùng Võ Thị Sáu, nữ tướng Nguyễn Thị Định,..
Trong sự phát triển và hội nhập ngày nay, phụ nữ Việt Nam đã tiếp thu những nét tính cách hiện đại của Phụ nữ thế giới, đồng thời vẫn luôn giữ vững giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc. Không chỉ dừng lại ở 8 chữ vàng, phụ nữ Việt Nam ngày càng hiện đại, văn minh, giỏi giang. Họ năng động và sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống tốt đẹp của giới mình, người phụ nữ ngày càng phấn đấu hơn nữa, không ngừng rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ, cống hiến tài năng cũng như trí tuệ cho đất nước và có rất nhiều phụ nữ thành công và nổi bật trên tất cả các lĩnh vực như: Chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa,... Từ đó, họ đã khẳng định được vị trí, uy tín, phẩm chất của mình trong cả khu vực và quốc tế để tự hào sánh vai cùng chị em phụ nữ các nước tiên tiến trên thế giới.
Riêng tại đơn vị Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Hậu Giang, tính đến thời điểm hiện tại có 78 công chức và người lao động nữ/tổng số 151 công chức và người lao động tại đơn vị, chiếm 51,66% (Nữ công chức của VKSND hai cấp là 66/124 công chức, chiếm 53,23%), trong đó có 01 đồng chí nữ giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, Trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ và 10 đồng chí nữ giữ chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND huyện và lãnh đạo, quản lý cấp phòng, chiếm 16,67%. Tỷ lệ các đồng chí nữ tham gia cấp ủy các cấp là 14/66 (đạt 21,21%); đồng chí nữ là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là 3/66 (đạt 4,55%) gồm 01 đồng chí đại biểu HĐND cấp tỉnh và 02 đại biểu HĐND cấp huyện.
Từ đó cho thấy tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nữ ngày càng tăng trong các cơ quan hành chính Nhà nước và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác tham mưu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng như điều hành công việc tại cơ quan. Trong thời gian vừa qua, cùng với các đồng chí nam, các chị em phụ nữ của ngành Kiểm sát Hậu Giang đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân, sáng tạo trong công việc và luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị nhằm góp phần vào thành tích chung của đơn vị.
Từ những đóng góp tích cực nêu trên, sự nỗ lực vượt bậc trong những năm qua, phụ nữ ngành Kiểm sát Hậu Giang hằng năm luôn được Công đoàn cơ sở VKSND hai cấp công nhận “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đồng thời các chị em còn tích cực tham gia các phong trào thi đua do Ngành và địa phương phát động, đạt được những kết quả cao như: Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba cho 01 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 01 cá nhân, Viện trưởng VKSND tối cao công nhận Chiến sỹ thi đua Ngành, Chiến sỹ thi đua cơ sở và tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen cho nhiều cá nhân do đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ cũng như các phong trào thi đua đã phát động… đồng thời tham gia thực hiện các hoạt động xã hội; thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình trong việc chăm sóc gia đình, phấn đấu gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa” tại nơi cư trú.
Trong thời gian tới, để giữ gìn và phát huy những thành tích đạt được, phụ nữ ngành Kiểm sát Hậu Giang tiếp tục năng động, sáng tạo, luôn phấn đấu và nỗ lực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, tự rèn luyện nâng cao năng lực và phẩm chất của người phụ nữ hiện đại “ Tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang” để luôn hoàn thiện mình góp phần vào thành tích chung của đơn vị./.
Một số hình ảnh Phụ nữ ngành Kiểm sát Hậu Giang hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” năm 2023
Nữ Công chức và người lao động VKSND tỉnh Hậu Giang
Nữ công chức Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Vị Thanh
Nữ công chức Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Ngã Bảy
Nữ công chức Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành
Nữ công chức nữ Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành A
Nữ công chức Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vị Thủy
Nữ công chức Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phụng Hiệp
Nữ công chức Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Long Mỹ
Công chức nữ Viện Kiểm sát nhân dân huyện Long Mỹ