Trong quá trình kiểm sát xét xử vụ án dân sự trên địa bàn huyện Châu Thành, VKS nhận thấy tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ cao, chỉ tính trong quý I/2024 thì loại án này chiếm khoảng 70% lượng án dân sự được Toà án thụ lý. Các tranh chấp liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có dấu hiệu gia tăng, trong đó có tranh chấp về hợp đồng đặt cọc. Việc xác định hợp đồng đặt cọc có hiệu lực hay vô hiệu để xem xét có phạt cọc hay không là vấn đề còn khá phức tạp, yêu cầu phải đánh giá chứng cứ cẩn thận nhằm giúp cho quá trình giải quyết vụ án được thấu tình, đạt lý.
Quang cảnh phiên toà xét xử rút kinh nghiệm
Vừa qua, đơn vị đã phối hợp với Toà án cùng cấp tổ chức phiên toà xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng đặt cọc, giữa nguyên đơn Nguyễn văn T và bị đơn Lê Phi C, Hồ Thị H. Nội dung vụ án thể hiện: Ngày 22/4/2022 ông T và ông C thoả thuận đặt cọc 200.000.000 đồng để đảm bảo cho việc ông T sẽ chuyển nhượng nhà và đất của ông C với giá chuyển nhượng là 1.750.000 đồng. Ông C đã nhận đủ số tiền cọc 200.000.000 đồng đã giao nhà cho ông T quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, phía ông C đã nhiều lần liên hệ với ông T để thực hiện thủ tục chuyển nhượng nhưng ông T không phản hồi nên ông C đã chuyển nhượng cho người khác. Do đó, ông T khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc, buộc ông C trả lại tiền đặt cọc, nhưng ông C không đồng ý.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, diễn biến tại phiên tòa, Kiểm sát viên xét thấy nội dung hợp đồng đặt cọc không thỏa thuận thời hạn thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, đồng thời tài sản chuyển nhượng được hình thành trong thời kỳ hôn nhân của ông C và bà H, nhưng hợp đồng đặt cọc chỉ do ông C đứng tên thực hiện mà không có chữ ký của bà H. Kết quả, Hội đồng xét xử thống nhất cao đề nghị của Kiểm sát viên tuyên hợp đồng đặt cọc vô hiệu, buộc ông C phải có nghĩa vụ trả lại tiền cọc đã nhận của ông T.
Kết thúc phiên toà, đơn vị đã tổ chức họp nhận xét các ưu, khuyết điểm đối với Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử vụ án. Qua đó, Lãnh đạo Viện và các thành viên tham dự phiên toà đánh giá phiên tòa rút kinh nghiệm được tổ chức thành công, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của Viện trưởng VKSND Tối cao, kiểm sát viên đã nghiên cứu hồ sơ chặt chẽ, tác phong chững chạc, tự tin, qua đó giúp Toà án tuyên bản án đúng quy định của pháp luật. Việc tổ chức cán phiên Toà rút kinh nghiệm cũng là việc làm thường xuyên, như một hình thức tự đào tạo của đơn vị, các Kiểm sát viên tham dự phiên Toà được học hỏi thêm kinh nghiệm từ các đồng nghiệp để nâng cao kiến thức phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ được phân công góp phần nâng cao vị thế, vai trò Viện kiểm sát tại địa phương.