Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự và thực hiện chỉ tiêu nghiệp vụ về phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp. Ngày 22/5/2024, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Vị Thanh đã phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, xét xử công khai vụ án dân sự “Tranh chấp chia tài sản chung, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và di sản thừa kế” giữa nguyên đơn bà N.T.M, bị đơn là ông Đ.T.A, ông Đ.T.H, bà Đ.T.T.M và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Đ.T.H, ông Đ.T.C, bà Đ.T.P, bà Đ.T.T, ông Đ.T.T, ông H.V.T, ông B.V.Đ, bà H.T.A.T và bà N.T.T.
Quang cảnh phiên tòa
Vụ án phát sinh từ việc nguyên đơn bà N.T.M và ông Đ.V.B là vợ chồng, có với nhau 08 người con chung gồm: Đ.T.H, Đ.T.C, Đ.T.A, Đ.T.T.M, Đ.T.P, Đ.T.T, Đ.T.H và Đ.T.T. Quá trình chung sống vợ chồng ông bà có tạo lập được tài sản chung là 15.965,1 m2 đất và số tiền 510.000.000 đồng. Năm 2021, ông Đ.V.B chết, không để lại di chúc, bà N.T.M quản lý sử dụng tài sản nêu trên. Sau đó, bà N.T.M khởi kiện yêu cầu chia đôi tài sản chung nêu trên và đồng thời yêu cầu chia thừa kế đối với phần di sản do ông Đ.V.B để lại. Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn – ông Đ.T.A, bà Đ.T.T.M và ông Đ.T.H (con ruột của nguyên đơn) có yêu cầu phản tố không đồng ý tài sản tranh chấp là tài sản chung của bà N.T.M và ông Đ.V.B vì các bị đơn cho rằng ông Đ.V.B là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nguồn gốc đất là do cha mẹ của ông Đ.V.B cho riêng ông Đ.V.B nên họ không đồng ý chia đôi tài sản tranh chấp nhưng đồng ý chia thừa kế theo pháp luật đối với tài sản tranh chấp.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông B.V.Đ có yêu cầu độc lập yêu cầu công nhận việc chuyển nhượng đất do bà N.T.M và ông Đ.V.B thực hiện khi ông Đ.V.B còn sống nhưng chưa làm thủ tục sang tên đã chuyển nhượng một phần diện tích đất cho ông B.V.Đ nhưng các bị đơn không đồng ý yêu cầu này của ông B.V.Đ vì cho rằng các bị đơn không hay biết việc chuyển nhượng nên không đồng ý công nhận giao dịch chuyển nhượng này là có hiệu lực.
Kết quả quá trình tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử thống nhất đề nghị của Kiểm sát viên về đường lối giải quyết vụ án, chấp nhận yêu cầu chia đôi tài sản chung, công nhận hiệu lực của giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà N.T.M và ông Đ.V.B với ông B.V.Đ, chấp nhận yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của ông Đ.V.B để lại.

Hình ảnh cuộc họp rút kinh nghiệm
Sau khi phiên toà kết thúc, lãnh đạo đơn vị đã chủ trì tổ chức họp rút kinh nghiệm có sự tham dự của Hội đồng xét xử, đại diện Phòng 9 – Viện KSND tỉnh Hậu Giang cùng các Kiểm sát viên tham dự phiên tòa. Cuộc họp đánh giá, Kiểm sát viên đã chủ động kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử, Thư ký và việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng. Phong thái tự tin, giọng nói dõng dạc, chủ động theo dõi, ghi chép diễn biến của phiên tòa, tích cực tham gia hỏi để làm rõ một số nội dung, tình tiết của vụ án, đặc biệt tập trung làm rõ về giá trị pháp lý của giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà N.T.M và ông Đ.V.B với ông B.V.Đ, từ đó quan điểm đề nghị của Kiểm sát viên là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Cuộc họp đã có sự trao đổi, đóng góp thẳng thắn về ưu điểm, hạn chế của Kiểm sát viên và của Hội đồng xét xử, từ đó rút ra được kinh nghiệm chung đối với Kiểm sát viên khi được phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham gia phiên tòa các vụ án dân sự nói chung.
Qua vụ án trên nhận thấy, thực trạng các tranh chấp về tài sản giữa những người thân trong gia đình ngày càng gia tăng. Đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phai nhạt những giá trị tốt đẹp của truyền thống yêu thương, đoàn kết ở một số gia đình mà thay vào đó là sự toan tính ích kỷ, hẹp hòi. Từ đó, đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền cần có nhiều phương pháp hơn nữa để việc tuyên truyền người dân về truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, một giá trị cao quý của gia đình Việt Nam.