Thành phố Ngã Bảy là nơi gặp nhau của bảy dòng kênh (Cái Côn, Quản lộ Phụng Hiệp, Lái Hiếu, Mang Cá, Mương Lộ, Xẻo Dong, Xẻo Môn), đồng thời là đầu mối giao thông đường thủy quan trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngã Bảy nằm giữa các trục giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1A, Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường tỉnh 927, đường tỉnh 927C nối với Quốc lộ Nam Sông Hậu, từ đó những vụ án về vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, cố ý gây thuơng tích, trộm cắp tài sản,… xảy ra trên địa bàn ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó công tác khám nghiệm hiện trường các vụ án có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi lẽ qua công tác khám nghiệm hiện trường sẽ xác định có tội phạm xảy ra hay không. Khi khám nghiệm, các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập dấu vết, vật chứng của vụ án, cơ bản làm rõ được bản chất, diễn biến quá trình thực hiện hành vi phạm tội… Từ đó làm cơ sở để đánh giá mức độ thiệt hại, mức độ nghiêm trọng của vụ việc, không chỉ giúp cho việc thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên được thuận lợi mà điều quan trọng giúp cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra trường hợp làm oan người vô tội, cũng như việc bỏ lọt tội phạm. Trong năm 2021, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Ngã Bảy luôn quan tâm chỉ đạo và phân công Kiểm sát viên tham gia kiểm sát chặt chẽ hoạt động khám nghiệm hiện trường, qua đó đã tiến hành kiểm sát khám nghiệm hiện trường 08 vụ, kết quả khởi tố 03 vụ án hình sự.
Kiểm sát viên đang tham gia khám nghiệm hiện trường
Tuy nhiên, qua công tác kiểm sát việc khám nghiệm trên địa bàn, đơn vị nhận thấy còn một số mặt hạn chế như sau:
- Một số vụ tai nạn giao thông khi chưa có hậu quả chết người xảy ra, thì chỉ có lực lượng cảnh sát giao thông tham gia khám nghiệm. Tuy nhiên sau đó nạn nhân chết, Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi lại và thông báo Viện kiểm sát cùng tham gia. Việc đó ảnh hưởng đến tính khách quan trong đánh giá lỗi của vụ việc tai nạn giao thông xảy ra vì số người dân hiếu kì theo dõi vụ việc sẽ làm dấu vết tại hiện trường có nhiều xáo trộn, làm cho công tác thu thập chứng cứ, khám nghiệm hiện trường gặp nhiều khó khăn.
- Một số vụ việc cố ý gây thương tích xảy ra ban đầu hậu quả xảy ra không lớn, nên người dân không trình báo với cơ quan chức năng, đến khi thương tích chuyển biến nặng hoặc thỏa thuận dân sự không thành thì sự việc mới được trình báo, khi đó công tác khám nghiệm hiện trường thường gặp khó khăn do dấu vết để lại hiện trường không còn nguyên vẹn, vật chứng trong vụ án khó thu thập.
- Một số vụ việc trộm cắp xảy ra, không bắt được quả tang cũng như không xác định được đối tượng, thì việc khám nghiệm hiện trường thu thập chứng cứ, gặp nhiều khó khăn, do không có camera xác định đối tượng nên có một số vụ việc đã khởi tố vụ án hình sự nhưng không xác định được bị can nên phải tạm đình chỉ vụ án.
Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Ngã Bảy đề ra những giải pháp sau:
Một là, Xác định bảo vệ hiện trường là nhiệm vụ quan trọng, cần sử dụng các lực lượng, biện pháp và các phương tiện phù hợp nhằm giữ nguyên trạng của hiện trường nói chung, các dấu vết, vật chứng có ở hiện trường nói riêng cũng như phát hiện, ghi nhận những thông tin, thay đổi ở hiện trường có liên quan đến vụ việc đã xảy ra. Do đó để làm tốt công tác bảo vệ hiện trường, Lãnh đạo VKSND thành phố Ngã Bảy đã yêu cầu Lãnh đạo Cơ quan điều tra Công an thành phố quán triệt đến Công an các xã, phường về nhiệm vụ bảo vệ hiện trường ban đầu.
Hai là, Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phối hợp giữa Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát trong công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Cơ quan Điều tra phải kịp thời thông báo cho Viện kiểm sát trước khi tiến hành khám nghiệm. Đối với Kiểm sát viên khi tiếp nhận vụ án, phải chủ động nắm bắt tình hình vụ án, khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành các hoạt động cần thiết nhằm bảo vệ hiện trường, không để ảnh hưởng đến công tác khám nghiệm. Việc khám nghiệm hiện trường phải đảm bảo nhanh chóng, khẩn trương, kịp thời. Phải đặc biệt chú ý việc thu thập dấu vết, vật chứng tại hiện trường để phục vụ cho việc xác minh, điều tra tội phạm sau này. Đối với những vụ việc phức tạp hoặc cần thiết thì Lãnh đạo cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát trực tiếp tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi
Ba là, Kiểm sát chặt chẽ sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, bảo đảm phản ánh trung thực hiện trường và kết quả khám nghiệm hiện trường. Sau khi khám nghiệm hiện trường theo quy định của Quy chế khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải báo cáo Lãnh đạo đơn vị về kết quả khám nghiệm hiện trường để lãnh đạo có ý kiến chỉ đạo tiếp theo, đây là những quy định mang tính bắt buộc đối với Kiểm sát viên. Nếu qua kết quả khám nghiệm hiện trường xác định có dấu hiệu của tội phạm thì trao đổi, phối hợp với Cơ quan điều tra khởi tố vụ án để tiến hành điều tra ngay.
Bốn là, Tăng cường công tác tuyên truyền các kiến thức pháp luật cơ bản để người dân hiểu thêm tầm quan trọng của công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, từ đó kịp thời cung cấp thông tin về tội phạm cho các cơ quan chức năng xử lý đúng quy định./.